Khánh Vĩnh là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như: Raglai, Êđê, Tày, Nùng... mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc thù riêng, mang đậm bản sắc truyền thống của mảnh đất và con người nơi đây. Trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành văn hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân.
Liên hoan giao lưu văn hóa các dân tộc được huyện tổ chức hàng năm
Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây, hàng năm huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Liên hoan các Làng văn hóa, giao lưu văn hóa các dân tộc; tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4; sưu tầm những hiện vật đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để trưng bày tại các sự kiện văn hóa..., tạo cơ hội cho các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc được giao lưu với nhau; đồng thời, qua đó giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của huyện miền núi Khánh Vĩnh đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Ngoài ra, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, huyện đã ban hành kế hoạch bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Khánh Vĩnh; trong đó, tập trung nghiên cứu, khôi phục từ 1 đến 2 ngành nghề truyền thống; thành lập các Đội nghệ thuật múa, hát các làn điệu dân ca - dân vũ Raglai; Đội nghệ thuật biểu diễn Mã la và các loại nhạc cụ dân tộc; khôi phục, phục dựng mô hình nhà sàn truyền thống của dân tộc Raglai; khuyến khích các gia đình tổ chức các nghi lễ truyền thống…
Và để tạo điều kiện cho người dân và công chúng được biết đến nhiều hơn với các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện đã tổ chức tái hiện lại các lễ hội, nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa và nhân văn của đồng bào các dân tộc nơi đây như: lễ cưới (đồng bào Raglai, T’rin), lễ bỏ mả (đồng bào Raglai, Êđê), lễ ăn mừng lúa mới, mừng nhà mới đồng bào Raglai, lễ cúng bến nước của người Êđê, hội tung còn (dân tộc Tày)… và những tiết mục hát, múa đặc trưng như: hòa tấu cồng chiêng, mã la; độc tấu nhạc cụ đinh năm, đinh chót, hát Arai của dân tộc Êđê; tấu nhạc cụ Salakhen, hát Ma Diêng, múa cong tua của dân tộc Raglai; hát làn điệu xú ri của dân tộc T’rin, hát then của dân tộc Tày…; đặc biệt, hệ thống chữ viết của đồng bào Raglai cũng được huyện quan tâm bảo tồn thông qua việc tổ chức các lớp dạy tiếng Raglai, xây dựng bản tin bằng tiếng Raglai phát thanh trên hệ thống truyền thanh của huyện với tần suất 1 tuần/1 bản tin.
Bên cạnh đó, ở các địa phương, nhiều hoạt động văn hóa dân gian, các môn thể thao dân tộc cũng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm tổ chức, qua đó góp phần thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên hiện nay, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn còn có những khó khăn nhất định như: nguồn lực đầu tư còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở còn thiếu so với yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng nên hiện nay, một số giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc đang dần bị mai một; nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hằng ngày bị thất truyền…
Thời gian tới, để tiếp tục bảo lưu và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, huyện Khánh Vĩnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: quan tâm bố trí nguồn kinh phí và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các cấp; chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Có chính sách đãi ngộ đối với những nghệ nhân văn hóa truyền thống; đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; phục dựng và duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc…
CTV Duy Hải - HU Khánh Vĩnh