Qua 02 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân mức giảm tỷ lệ hộ nghèo gần 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5% - 6%/năm, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng yếu thế, của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, việc thoát nghèo của người dân ở một số địa phương, vùng có điều kiện khó khăn chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế,...
Một số kết quả đạt được
Giai đoạn 2016-2018, Chương trình giảm nghèo bền vững tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, các mục tiêu giảm nghèo được đưa vào trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và được thực hiện lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Ngoài giải pháp về hỗ trợ sản xuất, tỉnh đã tập trung triển khai các chính sách giảm nghèo như: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện,...Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể (hiện nay tỉnh không còn hộ đói). Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Khánh Hòa, ước tính đến cuối tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 17.430 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,94%, giảm 1.712 hộ so với đầu năm 2017 (19.142 hộ). Tính chung, trong giai đoạn 2016 - 6/2018, toàn tỉnh đã giảm được 9.962 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,74%, bình quân mức giảm tỷ lệ hộ nghèo gần 1,5%/năm. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo từ năm 2016 đến tháng 6/2018 là 3.714,834 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách: 503,585 tỷ đồng; vốn ngân hàng chính sách xã hội: 3.147,289 tỷ đồng và nguồn huy động: 63,96 tỷ đồng).
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã đầu tư 52 công trình với kinh phí 32.760 triệu đồng; duy tu bảo dưỡng trên 25 công trình với kinh phí 2.007,6 triệu đồng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế cho các xã, phường, thị trấn, tỉnh đã hỗ trợ cho 1.046 hộ với kinh phí 12.294,2 triệu đồng để thực hiện các mô hình sản suất nông nghiệp như: trồng trọt (mía, thơm, bưởi da xanh, sầu riêng, chuối, quýt đường, mít...), chăn nuôi (heo, bò, dê, gà, cá...), trồng trọt kết hợp chăn nuôi (trồng mía và nuôi heo, trồng chuối và nuôi gà thả vườn,...). Trong đó, các hộ tham gia đã tự chủ trong việc lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình; tự chủ sử dụng kinh phí hỗ trợ để mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...để phục vụ sản xuất, tăng thu nhập. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức 53 lớp tập huấn, 01 đợt tham quan học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh với kinh phí 1.952,4 triệu đồng để hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện cho vay tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách khác và đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, đã cho vay đối với 21.690 hộ với tổng kinh phí 537.145 triệu đồng phục vụ cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh; cho vay học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường; xuất khẩu lao động, xây dựng, sửa chữa nhà ở,...Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ khác như: hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo (năm 2017: 16.219 triệu đồng, năm 2018: 12.684 triệu đồng); hỗ trợ 100% mức đóng mua thẻ BHYT cho hộ nghèo và hộ cận nghèo (năm 2016: 83,7 tỷ đồng; năm 2017: 104.707 triệu đồng; năm 2018: 118.476 triệu đồng),...
Những khó khăn, hạn chế...
Do là tỉnh tự cân đối ngân sách nên Khánh Hòa không được Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong khi ngân sách địa phương bố trí cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt ra, nhất là việc bố trí vốn để hỗ trợ các địa phương giải quyết các vấn đề thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chí nghèo đa chiều như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin,... Mặt khác, việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo của các địa phương còn khó khăn, dẫn đến việc người nghèo thoát nghèo nhưng tính bền vững chưa cao, nhất là các xã có đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chưa được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong việc giúp hỗ trợ sinh kế và mô hình sản xuất cho hộ nghèo, người nghèo; một số hộ nghèo ở một số khu vực nông thôn, miền núi còn thiếu đất canh tác.
Ngoài ra, nhận thức của người dân, cộng đồng và các cấp chính quyền về cách thức giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều còn chưa rõ, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Đặc biệt, một số hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế, còn ảnh hưởng bởi phong tục tập quán lạc hậu; ý thức tự lực vươn lên chưa cao, một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, còn cho rằng đầu tư giảm nghèo là việc của nhà nước, của chính quyền các cấp nên chưa có ý thức hợp tác và nỗ lực vươn lên thoát nghèo, trong khi nhân lực làm công tác giảm nghèo mỏng, cấp tỉnh chỉ có 01 người, còn cấp huyện và cấp xã thì cán bộ làm công tác giảm nghèo phải kiêm nhiệm nhiêu công tác khác nên hiệu quả chưa cao.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Để phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 đề ra, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Khánh Hòa đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới như: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo bền vững, qua đó khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo trong việc tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. (2) Tăng cường nguồn vốn đầu tư hàng năm cho Chương trình thông qua việc huy động các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, của doanh nghiệp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và sự tham gia đóng góp của người dân. (3) Thực hiện tốt chính sách về tín dụng ưu đãi, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, cần gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm phù họp. Đẩy mạnh công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, giúp thoát nghèo bền vững. (4) Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời tạo cơ chế chính sách để nhân dân và nhà nước cùng đầu tư hướng đến cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trong đó ưu tiên cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Được biết, để giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội kiến nghị Trung ương sớm có quy định về nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ cho phép các địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương được giữ lại một phần ngân sách trích nộp để thực hiện các nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ không vượt quá 50% tổng kinh phí thực hiện. Đồng thời, tiếp tục xem xét hỗ trợ ngân sách cho tỉnh thực hiện Chương trình, đặc biệt là đầu tư cho 02 huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và 04 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển gồm: Đại Lãnh, Vạn Thạnh, Vạn Phước, Vạn Khánh của huyện Vạn Ninh.
Quang Chính - VPTU