Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Ðảng và Nhà nước hết sức đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38, công tác BHYT trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ ở Khánh Hòa được nâng lên, chi thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng.
Xác định trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 38
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách bảo hiểm y tế trong toàn tỉnh được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền xác định được trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản liên quan. Đặc biệt, nhận thức của nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên về quyền và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế đã chuyển biến tích cực; người lao động thấy rõ trách nhiệm và đòi hỏi người sử dụng lao động thực hiện quyền lợi được tham gia bảo hiểm y tế, nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế để phòng bệnh, chữa bệnh và chia sẻ với cộng đồng. Vì vậy, số đối tượng tham gia BHYT hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 89% trên tổng số dân toàn tỉnh, tăng 31,1% so với năm 2009.
Những kết quả chuyển biến tích cực
Công tác thông tin, tuyên truyền về BHYT đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và các sở, ban, ngành và các địa phương chú trọng thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phù hợp, bám sát đặc điểm của từng địa phương, từng đối tượng như tổ chức tuyên truyền miệng qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua các phương tiện báo đài, hội diễn văn nghệ... Các phương tiện thông tin đại chúng đã chú trọng mở rộng các kênh thông tin truyền thông, mở chuyên trang, chuyên mục BHYT, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT một cách sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền và thực hiện chế độ BHXH, BHYT với ban tuyên giáo cấp ủy các cấp, với 16 sở, ngành, đoàn thể liên quan; tổ chức hơn 200 hội nghị chuyên đề tuyên truyền, đối thoại với hơn 300.000 lượt người lao động, hội viên và các tầng lớp dân cư tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, thôn, tổ, trường học và hơn 130 hội nghị tập huấn, đối thoại với hơn 6.315 lượt doanh nghiệp.
Sau gần 17 năm hoạt động, BHYT của tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực: Số cơ sở khám chữa bệnh BHYT được tăng lên, hiện có 162 cơ sở y tế thuộc 29 đầu mối thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; số lượng người dân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng: Năm 2015 có 2.082.558 lượt người đến năm 2018 tăng lên 3.022.582 lượt người; số lượt khám chữa bệnh bình quân hàng năm tăng quá cao: Năm 2015 là 2,63 lượt/thẻ BHYT, đến năm 2018 là 2,88 lượt/ thẻ BHYT (cao hơn 0,64 mức bình quân của toàn quốc năm 2018[1]). Từ đó, quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT được đảm bảo; mức hưởng, phạm vi hưởng BHYT ngày càng mở rộng và nâng cao, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng dần theo lộ trình.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 21
Đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý quỹ bảo hiểm y tế, đặc biệt chú trọng rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính. Các cơ sở y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 4.540 đơn vị (100%) đơn vị đăng ký giao dịch điện tử trong giải quyết chế độ ốm đau, thai sản; 100% các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám định điện tử trong khám chữa bệnh BHYT, xử lý trên môi trường điện tử, với số lượt hồ sơ được xử lý lên đến hàng ngàn hồ sơ mỗi tháng.
Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân. Nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu từng bước mở rộng, triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hệ thống bệnh viện tuyến huyện. Tình trạng cấp thẻ chậm và sai sót họ, tên, năm sinh từng bước được khắc phục. Từ khi Luật BHYT thay đổi áp dụng phương thức thanh toán mới, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong triển khai, luôn quan tâm theo dõi sâu sát, nắm bắt kịp thời, sử dụng nguồn quỹ được khoán có hiệu quả, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh, đáp ứng sự hài lòng của đa số bệnh nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện Chỉ thị 38 như: Tỷ lệ hộ gia đình tham gia BHYT chưa cao, nhận thức của người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT chưa được đầy đủ; một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các chính sách BHYT cho người lao động; Tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT càng ngày càng lớn; Việc hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong khám chữa bệnh BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam còn chồng chéo, chưa rõ ràng đã gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT...
Trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh tiếp tục quan tâm và chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới nhằm thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Chủ yếu tập trung vào một số giải pháp: Đổi mới công tác thông tin, truyền thông và tuyên truyền về BHYT, cần tập trung vào các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, các chủ sử dụng lao động, các chủ doanh nghiệp, nhân dân; Đưa tỷ lệ tham gia BHYT của các trường học, đơn vị, địa phương vào nội dung bình xét thi đua hàng năm đối với các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, doanh nghiệp; Ngành y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; Phát triển y tế tuyến cơ sở đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế; Giải quyết và chi trả kịp thời đầy đủ các chế độ BHYT cho các đối tượng...
Hải Vân - BTGTU
[1] Năm 2018 mức bình quân toàn quốc là 2,24 lượt/thẻ.