Những năm qua, Khoa Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn đã quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm gần đây, huyện Khánh Sơn xác định mục tiêu chính trong công tác DS-KHHGĐ là giảm sinh. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chính quyền địa phương còn hỗ trợ kinh phí thực hiện cấy que tránh thai cho người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Bà Nguyễn Trần Thúy Vân - Trưởng khoa DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho biết, hàng năm, trung tâm xây dựng kế hoạch xin kinh phí của huyện hỗ trợ cho công tác DS, phần lớn thực hiện cung cấp các dịch vụ KHHGĐ cho người nghèo, thu nhập thấp. Thời gian qua, nhu cầu cấy que tránh thai của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện khá cao. Năm 2019, đơn vị đã thực hiện cấy tránh thai được 171 que, trong đó có 84 que miễn phí do Trung ương cấp, còn lại phối hợp với MSI Nha Trang thực hiện 87 que.
|
Năm 2020, kinh phí hỗ trợ cũng tập trung thực hiện cấy tránh thai cho người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ DS sẽ rà soát, lập danh sách những đối tượng nghèo, cận nghèo, đông con, đủ 2 con nhưng chưa thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại để vận động tham gia đầy đủ. Đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ hoàn toàn; đối tượng cận nghèo phải trả 400.000 đồng/người để người dân làm quen với việc tự chi trả khi có nhu cầu.
Vừa qua, trung tâm đã phối hợp với MSI Nha Trang tổ chức cấy que tránh thai đợt 1 cho 67 người. Những đối tượng đăng ký chưa thực hiện được đợt 1 thì sẽ tiến hành đợt 2 trong năm. Đây cũng là một hoạt động lớn nằm trong Chiến dịch truyền thông lồng ghép tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao trên địa bàn huyện. Chị Bo Bo Thị Kiểu (thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) cho biết, bản thân chị không muốn sinh đông con, vì chồng làm rẫy không đủ ăn, con không có điều kiện đi học. Chị đã thực hiện KHHGĐ, nhưng do không áp dụng đúng hướng dẫn nên bị vỡ kế hoạch. Đến nay, chị đã có 4 con, cháu nhỏ nhất được 5 tháng tuổi. Khi biết có các bác sĩ đến cấy tránh thai tại huyện, chị tham gia ngay.
Được biết, từ năm 2015, trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy sử dụng các biện pháp tránh thai lâu dài và vĩnh viễn, MSI Khánh Hòa đã phối hợp với Sở Y tế và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cung cấp dịch vụ cấy que tránh thai ưu đãi cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Đây là biện pháp tránh thai ưu việt, an toàn và hiệu quả cao, phù hợp với người dân miền núi. Năm 2017, Khánh Sơn là huyện đầu tiên đề xuất nhu cầu và có đông đảo người dân tham gia. Đây cũng là dịp để người dân tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại, hiểu được lợi ích của KHHGĐ. “Năm 2020, huyện Khánh Sơn phấn đấu thực hiện mức giảm tỷ suất sinh 0,35‰; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở mức 1%; từng bước ổn định mức sinh, góp phần nâng cao chất lượng DS trên toàn huyện”, bà Vân nói.
Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh: Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện giảm sinh, chi cục đã triển khai trên địa bàn huyện Khánh Sơn nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; can thiệp giảm thiểu tảo hôn…
Theo Báo Khánh Hòa