Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” (viết tắt là Chỉ thị 10), với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, lĩnh vực giáo dục và đào tạo huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương.
Để đạt được các mục tiêu của Chỉ thị 10, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện như ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; dành các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp và mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Triển khai kịp thời các chế độ, chính sách có liên quan đến công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục theo quy định… từ đó góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học, phân luồng học sinh và xóa mù chữ trên địa bàn huyện.
Về công tác phổ cập giáo dục mầm non, đến nay, 100% các trường mầm non đã được xây dựng kiên cố, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được trang bị tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt hơn 99%; 100% học sinh mầm non đã được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường. 100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định và đảm bảo đủ số lượng 2 giáo viên/lớp bán trú. Số trường mầm non đạt chuẩn ngày càng tăng; đến nay đã có 6/16 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 37,5%. Huyện Khánh Vĩnh cũng đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi vào năm 2012.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cũng có những bước chuyển biến quan trọng. Huyện đã triển khai kịp thời nhiều chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, động viên học sinh ra lớp đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng như chế độ học bổng, hỗ trợ tiền ăn và chi phí học tập cho học sinh người dân tộc thiểu số… Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, giảm lưu ban, bỏ học; tăng cường phối hợp với địa phương huy động tối đa học sinh ra lớp; thực hiện tốt chương trình giáo dục theo quy định; tập trung hoàn thành các tiêu chí về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia... qua đó, giúp huyện Khánh Vĩnh duy trì và củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Công tác xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở cũng được quan tâm triển khai thực hiện khá hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức điều tra, rà soát, thu thập, cập nhật, bổ sung các số liệu, tiêu chí về trình độ văn hóa của nhân dân để xây dựng kế hoạch xóa mù chữ phù hợp với thực tiễn, trong đó chú trọng đến đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số, người trong độ tuổi lao động… Kết quả đến nay, 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 98,3% số người trong độ tuổi lao động biết chữ mức độ 2. Trong công tác phân luồng học sinh, thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tư vấn, hướng nghiệp… đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề tăng 26,4% so với năm 2011.
Giờ ra chơi của các em học sinh Trường Tiểu học Khánh Thượng
Công tác xã hội hóa để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục, đào tạo nghề tiếp tục được phát huy ở từng đơn vị, trường học với những công việc cụ thể như tổ chức tốt các hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, chi hội khuyến học; tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể cả về nguồn lực vật chất, tinh thần. Nhiều cơ sở giáo dục được các nhà hảo tâm trang bị các phương tiện phục vụ dạy học thiết thực như hệ thống âm thanh, máy vi tính, máy chiếu; xây dựng phòng học, phòng chức năng, bếp ăn, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi… đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy nhanh tiến độ đạt các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, nhất là ở các xã còn nhiều khó khăn như xã Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Phú. Toàn huyện đã có 12/38 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 31,6%, tăng 11 trường so với năm 2011.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ theo quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt là chương trình đổi mới sách giáo khoa, các phương pháp dạy học và tăng cường các kỹ năng sư phạm theo quy định của Bộ và phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị. Trong hơn 10 năm qua, toàn ngành giáo dục huyện đã có 406 lượt cán bộ, giáo viên được đã tham gia học các lớp cao đẳng, đại học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện còn một số hạn chế nhất định như: cơ sở vật chất của một số trường học còn thiếu, nhất là các phòng chức năng theo quy định. Chất lượng giáo dục ở học sinh dân tộc thiểu số chuyển biến còn chậm, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần thấp, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên; thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn nên hiệu quả chưa thực sự rõ nét…
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10, huyện Khánh Vĩnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường hiệu quả hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự tham gia tích cực của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục. Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện dạy học theo hướng đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục giai đoạn hiện nay…/.
CTV Duy Hải - BTG.HU Khánh Vĩnh