Với 73,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cộng đồng 28 DTTS trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), chủ yếu là Raglai và T’rin đã tạo dựng nên bề dày di sản văn hóa truyền thống đặc trưng. Tuy nhiên, trước những chuyển biến của đời sống kinh tế - xã hội, tác động của lối sống mới đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc gìn giữ, bảo tồn các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Vĩnh, hiện địa phương có 2 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm: Căn cứ địa cách mạng Hòn Dù (xã Khánh Trung) và căn cứ địa cách mạng Hòn Dữ (xã Khánh Đông). Cả hai di tích lịch sử này đều nằm tại vùng núi cao, hiểm trở, chưa có đường mòn nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chuyến tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử cũng chưa được thực hiện. Tất cả những gì liên quan đến hoạt động tìm hiểu di tích mới chỉ dừng lại ở việc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho xây dựng, tu bổ 2 tấm bia ghi nhớ sự kiện được đặt ở gần khu dân cư. Ngoài ra, huyện còn có 1 di tích chưa được xếp hạng là địa điểm khu tập trung Gia Lê (xã Liên Sang). Năm 2018, huyện đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao lập hồ sơ khoa học để đề xuất UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo phản hồi của sở, địa điểm này không đủ điều kiện để xếp hạng.
Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh biểu diễn đánh mã la trong một buổi giao lưu văn hóa.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, Khánh Vĩnh có sự đa dạng về lễ hội như: Lễ cưới của đồng bào T’rin; lễ ăn mừng lúa bắp mới; lễ mừng nhà mới; lễ bỏ mả của dân tộc Raglai, Ê đê; hội tung còn của dân tộc Tày; lễ đền ơn đáp nghĩa của đồng bào Raglai… Đồng bào các DTTS huyện Khánh Vĩnh còn có những tiết mục hát Arai (dân tộc Ê đê), hát Ma diêng, múa cong tua, đánh mã la (dân tộc Raglai), hát Xú ri (dân tộc T’rin), hát then (dân tộc Tày) và hòa tấu, độc tấu các nhạc cụ cồng chiêng, đinh năm, đinh chót… Những nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống đó đang dần vắng bóng trong đời sống thường ngày của người dân. Sự hiện diện của những giá trị văn hóa phi vật thể này chủ yếu qua phần tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa tại các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật.
Theo đồng chí Lê Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Vĩnh, địa phương mới chỉ có 1 phòng trưng bày, giới thiệu các hiện vật, hình ảnh văn hóa được đặt trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Nhưng việc tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tham quan, tìm hiểu cũng rất hạn chế. Phòng trưng bày chưa được bố trí nhân sự để làm nhiệm vụ bảo quản, sưu tầm, giới thiệu hiện vật; còn ở cấp xã chưa có phòng trưng bày. Thời gian qua, địa phương đã được Sở Văn hóa và Thể thao cấp 28 bộ mã la cho các thôn, chủ yếu được sử dụng khi các địa phương tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ.
Một số hiện vật, hình ảnh của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh được giới thiệu với công chúng.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện chưa đạt hiệu quả cao; việc sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể chưa tương xứng, còn mang tính dàn trải, thiếu chiều sâu. Điều này một phần do tác động của đời sống kinh tế - xã hội; phần khác còn có những hạn chế mang tính chuyên môn như: Địa phương thiếu những công trình nghiên cứu mang tính thực tiễn cho các mục tiêu giữ gìn, phát huy vốn văn hóa, văn nghệ dân gian vào đời sống; những sáng tác, tác phẩm, công trình nghệ thuật nhằm nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống, đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn công chúng vào sinh hoạt văn hóa còn hạn chế… Ngoài ra, khó khăn về kinh phí, sự quan tâm, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ cũng là những trở ngại ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS…
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202208/khanh-vinh-tim-huong-phat-huy-di-san-van-hoa-8259574/