Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta mãi ghi đậm công lao to lớn của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Đó là mẹ Âu Cơ sản sinh ra nòi giống Lạc Hồng, đào sông, đắp núi; nữ anh hùng Bà Triệu, Bà Trưng, Bùi Thị Xuân… chống giặc ngoại xâm khí phách, lẫy lừng đã góp sức lớn lao dệt lên những trang sử vàng vẻ vang của đất nước.
Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua những chặng đường dài của lịch sử vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống thông minh, cần cù, sáng tạo, chiến đấu gan dạn anh hùng. Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận phụ nữ là chỗ dựa cho gia đình trong nhiều phương diện cuộc sống; là nguồn hạnh phúc, chăm sóc chồng con, đỡ đần cha mẹ già yếu. Người phụ nữ đã đóng vai trò người mẹ, người vợ và người yêu… luôn được yêu thương và chiếm vị trí quan trọng trong các tầng lớp xã hội.
Phụ nữ Việt Nam luôn trở thành đề tài muôn thưở trong thi ca, hội họa và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Họ mang vẻ đẹp mặn mà truyền thống, khơi nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao nghệ sĩ, thi sĩ để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Giá trị nghệ thuật của những tác phẩm này đem lại đã mang đến cho đời những bông hoa ngũ sắc, chỉ cần một tiếng nói, một bàn tay đầy ấm áp, yêu thương, một tiếng cười trong trẻo… đã lay động biết bao tâm hồn, góp phần làm nên những gì cốt lõi nhất của văn hóa tinh thần Việt Nam.
Đất nước bước sang trang sử mới. Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ về quyền bình đẳng giới và ghi trong Cương lĩnh đầu tiên của mình: “Nam nữ bình quyền”. Đảng cũng sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng góp phần to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng. Chính lẽ đó, Đảng đã đề ra nhiệm vụ giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xúc tiến sớm việc thành lập tổ chức cách mạng riêng cho phụ nữ để thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định vai trò to lớn của phụ nữ. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), Người viết: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Bác khẳng định: “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi(1).
Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945, Bác trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc(2) . Đồng thời, Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 nêu rõ, “… tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.
Từ xa xưa trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh phi thường, ý chí kiên cường, bất khuất. Và ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du và các tổ chức tiền thân của Đảng. Qua phong trào đấu tranh cách mạng, người phụ nữ Việt Nam càng bừng sáng lên vẻ đẹp trung hậu, đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam trước hết là cái đẹp của tâm hồn, từ đó tỏa sáng trong muôn mặt của đời sống xã hội. Đó là cái đẹp trong lao động, học tập, tình yêu, chiến đấu và cả cuộc sống thường ngày. Càng trong gian khó, ác liệt cái đẹp đó càng bừng sáng.
Với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần xương máu xây dựng lên tượng đài chiến thắng huy hoàng của dân tộc. Có biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng con ra trận. Có những bà mẹ đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng, thức thâu đêm vá áo cho chiến sĩ từ lúc tóc còn xanh cho đến khi phơ phơ bạc đầu. Nhiều chị phải đổ mồ hôi xương máu, hy sinh cho Tổ quốc khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như “đòn gánh đánh càn”, “tầm vông diệt giặc”. Những tấm gương luôn tỏa sáng về phẩm chất anh hùng cách mạng của nữ anh hùng Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch với câu nói nổi tiếng “còn cái lai quần cũng đánh”, Lê Thị Hồng Gấm, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... cùng sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nữ chiến sĩ cách mạng đã trở thành “huyền thoại sức mạnh Việt Nam”, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lịch sử sẽ còn mãi khắc ghi những hình ảnh chói ngời của những “đội quân tóc dài”, những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay, những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh. Mỗi người chúng ta chắc đều xúc động khi đọc quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, cảm nhận được tình người tỏa ra từ cuộc đời của nữ bác sĩ phụ trách trạm quân y tiền phương trong chiến tranh, vẫn truyền lửa, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người hôm nay kiên quyết đấu tranh loại bỏ với những cám dỗ tầm thường, để sống cao đẹp vì Đảng, vì dân. Đồng thời, mỗi chị em còn là người mẹ, người vợ, người con toàn tâm toàn ý việc gia đình, giữ lửa yêu thương và ấm áp trong mỗi nếp nhà.
Đảng và nhân dân ta rất phấn khởi, vui mừng khi các thế hệ hậu duệ nối tiếp của Bà Triệu, Hai Bà Trưng thời nay ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và tiếp tục khẳng định lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tươi đẹp, rực rỡ”. Chúng ta có quyền tự hào về phụ nữ Việt Nam và trân trọng những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam được thể hiện ở đức tính cần cù, đảm đang, chịu khó, hết lòng vì chồng con, gia đình và xã hội. Dù ở hoàn cảnh nào, nơi đâu, phẩm chất đảm đang của người phụ nữ Việt Nam cũng được phát huy mạnh mẽ, “Đoàn kết chặt chẽ, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới. Là con cháu xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu, chắc chắn các cô sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang ấy” - như lời căn dặn của Bác với các cán bộ phụ nữ toàn miền Bắc năm 1956.
Cả cuộc đời Bác đã hết lòng lo cho dân, cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(3).
Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo những điều kiện thuận lợi và cơ hội để phụ nữ Việt Nam không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, chị em đã ra sức phát huy khả năng và những phẩm chẩt tốt đẹp đã được xây đắp qua nhiều thế hệ. Phụ nữ kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, thông minh, năng động, sáng tạo, nhân ái, “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, vững vàng trên đồng ruộng, trên công trường nhà máy, miệt mài trên ngọn đèn bên trang giáo án…, nêu cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, cường thịnh,
Hiện nay, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng, cộng với sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của chị em trong quá trình làm việc, công tác. Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 nữ, đạt 9,5%, Quốc hội khóa XV tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% nữ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% nữ…
Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính.
Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc kiến thiết tô đẹp đất nước hùng cường, xứng đáng với 8 chữ Vàng Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đây là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng phụ nữ quốc tế, là mạch nguồn tiếp nối các thế hệ.
Phụ nữ Việt Nam đã và đang thể hiện nghị lực kiên cường, tiếp tục khẳng định mình, bằng vẻ đẹp và cái đẹp của chính tâm hồn mình, đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của mình, góp phần làm nên vẻ đẹp, dệt gấm, thêu hoa và tạo sức sống diệu kỳ ngàn đời cho dân tộc Việt Nam, “Chị em ta tỏa nắng vàng lịch sử/ Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ”.
Chúng ta nồng nhiệt chúc mừng “những bông hoa đẹp” ngày càng nảy nở, sinh sôi, làm rực rỡ và ngào ngạt sắc hương của vườn hoa, hướng đến gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng