Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến sĩ đặc công đã góp phần rất quan trọng trong việc tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ ở căn cứ quân sự Cam Ranh. Nhân dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2021), chúng ta khắc ghi những hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ đặc công, góp phần cùng với quân và dân Cam Ranh giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống chống Mỹ cứu nước.
Do tính chất rất quan trọng về quân sự và kinh tế trong lịch sử phát triển của đất nước ta nói chung và Cam Ranh nói riêng, nên vịnh Cam Ranh (Vịnh) và bán đảo Cam Ranh có tầm quan trọng chiến lược đối với cả nước([1]). Từ năm 1965 - 1968, Mỹ tiến hành “Chiến lược chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đem quân xâm lược miền Nam. Ở Cam Ranh, Mỹ xây dựng bán đảo Cam Ranh thành căn cứ quân sự hùng mạnh, lớn nhất Đông Nam Á, nhằm phục vụ cho âm mưu thôn tính miền Nam và khống chế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến năm 1968 đã có tới hai vạn quân Mỹ, một vạn quân các nước chư hầu, chiếm đóng cả trong và ngoài bán đảo Cam Ranh; đồng thời tổ chức các Trung tâm huấn luyện Hải quân, Trung tâm huấn luyện biệt kích ở Đồng Bà Thìn, Trung tâm huấn luyện người nhái, cá heo; Bộ Tư lệnh Duyên phòng 213, 26; căn cứ tiếp vận tác chiến điện tử ở bán đảo Cam Ranh; hệ thống rađa, đài báo điện tử, cáp ngầm viễn thông, tuyến ngư lôi, tuyến phao và hệ thống kẽm gai gài mìn dọc bờ biển từ Mỹ Ca (thuộc phường Cam Nghĩa hiện nay) đến đảo Bình Ba (thuộc xã Cam Bình hiện nay)… Với việc bố phòng căn cứ quân sự Cam Ranh như thế, Mỹ cho đây là “pháo đài bất khả xâm phạm”.
Thật vậy, đánh vào nơi này là cực kỳ khó khăn, thậm chí phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh nhưng có khi mang lại hiệu quả thấp. Cho nên cách mạng đã sử dụng bộ đội đặc công để lấy ít đánh nhiều với cách đánh thích hợp nhất.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ở vùng bãi tắm Số 4 (trước đây thuộc phường Cam Linh, nay thuộc phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh) và một số nơi ven biển Cam Ranh là những nơi để cho các chiến sỹ đặc công tập kết, bơi qua Vịnh, đột nhập vào bán đảo Cam Ranh, đánh vào căn cứ quân sự và cơ quan đầu não của Mỹ, làm tiêu hao sinh lực cùng phương tiện chiến tranh của Mỹ, tạo nên sự chuyển biến to lớn đối với cách mạng ở chiến trường Cam Ranh và góp phần tác động chung đối với chiến trường miền Nam.
Bãi tắm Số 4, nơi các chiến sĩ đặc công thường tập kết để bơi qua vịnh Cam Ranh đánh vào căn cứ quân sự của Mỹ
Đây quả thật là một kỳ tích của các chiến sĩ đặc công, bởi vì muốn giành thắng lợi trong các trận đánh thì các chiến sĩ đặc công phải có một lần (hoặc nhiều lần) bơi qua Vịnh để khảo sát mục tiêu, chuẩn bị chu đáo các mặt cho trận đánh, nắm rõ quy luật hoạt động của địch, đồng thời xác định rõ hướng tấn công chủ yếu của ta. Khi tiến hành đánh địch, lại phải bơi qua Vịnh lần nữa, phải luồn sâu, lót sát, gỡ mìn, cắt từng lớp hàng rào kẽm gai để tiếp cận và đánh mục tiêu đã xác định; đánh xong phải rút ra ngay để bơi qua Vịnh về với đơn vị an toàn trước khi trời sáng; còn nếu trời sắp sáng, sợ địch phát hiện, không thể bơi qua Vịnh thì phải ẩn nấp thật kỹ ở bên bán đảo, có khi phải lấp mình dưới cát, thở bằng ống đu đủ, chờ trời tối mới bơi qua Vịnh về với đơn vị. Có những chiến sĩ bơi qua Vịnh về đến bãi tắm Số 4, bị địch phục kích và các anh đã hy sinh. Máu của các anh đã thấm vào lớp đất quê hương, tạo nên những bản anh hùng ca bất tử và truyền thống đánh giặc của Cam Ranh.
Xin mãi mãi tri ân các chiến sĩ đặc công đã góp phần cùng với Cam Ranh làm nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
-------------
(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Cam Ranh thời kỳ 1930 – 1975, xuất bản 1994: “Vịnh Cam Ranh là 1 trong 3 hải cảng tự nhiên tốt nhất thế giới do có đủ 3 yếu tố cơ bản: chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng rất ít bão. Vịnh được tạo nên do một nhánh của dãy Hoàng Ngưu, núi Đồng Bò (cao hơn 927m) chạy từ mũi Cù Huyn theo hướng Bắc - Nam vào đến Mũi Điện dài trên 30km, nhấp nhô đồi núi cát trắng với những điểm cao: Cù Huyn (927m), núi Ké, núi Phụng Hoàng (430m) thành một bán đảo (thường gọi là bán đảo Cam Ranh). Một nhánh của dãy núi Chúa (1040m) từ phía Nam chạy ra theo hướng Nam - Bắc tới mũi Chà Đà thành một bán đảo (thường gọi là bán đảo Mũi Hời). Giữa hai bán đảo như hai dãy trường thành thiên nhiên che chắn sóng gió đại dương”.
CTV Nguyễn Công Hài, UBND phường Cam Lợi