Không biết từ bao giờ, hai tiếng "gia đình" đã đi cùng mỗi người chúng ta với một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và cao cả, đó là cái nôi cho mỗi người sinh ra và trưởng thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”, những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… được hình thành, phát triển và giữ gìn, vun đắp, phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững…
Và đúng như thế đối với mỗi cá nhân, gia đình luôn là điều thiêng liêng, tuyệt vời nhất, gia đình là chỗ dựa cho mỗi chúng ta, thật là hạnh phúc cho những ai có được một gia đình đầm ấm. Mỗi khi công việc thuận lợi, thành công và khi bạn vui vẻ bạn thường tìm đến bạn bè mình và nơi náo nhiệt, nhưng khi bạn thất bại, buồn chán thì thường bạn cần tìm sự an ủi, giúp đỡ từ gia đình và gia đình là nơi mà không bao giờ từ bỏ bạn trong những lúc khó khăn, gia đình là nơi chúng ta quay về sau những vấp ngã, sóng gió trong cuộc sống và xã hội. Chính vì vậy mà mọi người hay gọi gia đình là "tổ ấm".
Trong cuộc sống hàng ngày, trong xã hội phát triển rất nhanh như hiện nay, có khi nào chúng ta "dừng lại" và tự hỏi: Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc có rất nhiều cung bật khác nhau, có khi hạnh phúc rất giản dị, nó chỉ là một bữa cơm quây quần bên người thân trong gia đình, hạnh phúc ở ngay cạnh bên mỗi con người chúng ta.
Ca dao Việt Nam chúng ta đã có câu: "Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon".
Bữa cơm gia đình là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ “sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Không khí gia đình thật là đầm ấm, hạnh phúc khi chúng ta biết chia sẻ những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống còn lắm khó khăn, "râu tôm" và "ruột bầu" là hình ảnh tượng trưng cho sự đạm bạc, tuy nhiên trong bữa cơm đó, đôi vợ chồng ấy vẫn cảm nhận rằng bát canh ngon, sâu xa nó thể hiện một quan niệm về hạnh phúc - hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình có, trong cái khó khăn vẫn có niềm vui.

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương (ảnh minh họa)
Bữa cơm gia đình tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng cơm dẻo canh ngọt, mùa hè có bát canh rau, mùa đông thì cơm nóng, cá kho, không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng ở đó người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng con, cả một sự chuẩn bị chu đáo từ việc món ăn, lựa chọn thực phẩm, chế biến sao cho phải phù hợp khẩu vị của từng người. Không chỉ chú ý đến sở thích của các thành viên mà quan tâm đến sức khoẻ từng người, gặp lúc ốm đau, mệt mỏi... để mỗi thành viên khi ngồi vào mâm cơm đều thấy có thể ăn một chút gì đó dù ốm đau, khiến họ rất cảm kích trước sự chăm nom, săn sóc của gia đình, đặc biệt của người vợ, người mẹ... đó là tình cảm. Khi ăn, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chia sẽ các món ăn, mỗi người một sở thích nhưng cũng chung một nồi cơm, một tô canh và một bát nước chấm, qua bữa cơm còn giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức san sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình rồi sau toả rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng.
Xã hội ngày càng phát triển, mỗi người chúng ta càng tất bật hơn với công việc hàng ngày. Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày làm việc và học tập của các thành viên. Đây là điều kiện để cả nhà gặp nhau chuyện trò, thông tin cho nhau về những việc diễn ra trong ngày: con cái đi học bài vở ra sao, bố mẹ ở cơ quan, đơn vị, nhà máy có chuyện gì đáng lưu ý, cha mẹ dặn dò con cái trong việc học tập và sinh hoạt hằng ngày... sau bữa ăn con cái đi học bài, đi ngủ sớm, bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt, xem ti vi mỗi người một việc. Do vậy, nếu không có thời gian cả gia đình xung quanh mâm cơm thì họ chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để hàn huyên. Cũng chính vì vậy mà mỗi khi đến bữa ăn, mà thiếu một thành viên nào đó trong gia đình, mọi người đều nhắc nhở, hỏi thăm lý do vì sao chưa về ăn cơm...
Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn giản như vậy thôi! Nhưng để có được hạnh phúc đơn giản ấy, thì người chủ gia đình, đặc biệt người phụ nữ, cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự và những thành viên khác cũng phải cùng chung tay để cho bữa cơm ấy thật sự có ý nghĩa, thật sự đem lại niềm vui cho các thành viên trong nhà, mỗi khi đến giờ cơm mọi thành viên đều nhớ. Bữa cơm mọi thành viên quây quần bên mâm cơm gia đình vốn từ lâu đã trở thành biểu tượng đẹp của nếp nhà Việt Nam. Những ồn ào của cuộc sống như lui vào hậu trường để nhường chỗ cho sự vui vẻ, tiếng cười, sự yêu thương và hạnh phúc dâng đầy.
Hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam (28/6) với thông điệp “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương và nói không với bạo lực gia đình”, mỗi gia đình hãy cố gắng gìn giữ và duy trì tốt những bữa cơm truyền thống vốn có của gia đình Việt, cũng như gìn giữ một gia đình hạnh phúc góp phần xây dựng nên một xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững.
VCV. Văn phòng Tỉnh ủy