Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã xuất bản số đầu tiên. Đây là một bước ngoặt rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 05/02/1985, Ban Bí thư ra Quyết định số 52-QĐ/TW, lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam. Trải qua 96 năm (21/6/1925 - 21/6/2021), báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, xứng đáng với lòng tin yêu của Nhân dân.
Phóng viên tác nghiệp tại lễ kỷ niệm. Nguồn baodienbienphu.info.vn
Hàng năm, chúng ta tổ chức kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) nhằm tôn vinh, tri ân các nhà báo đã có nhiều cống hiến trí tuệ và công sức cho đất nước và Nhân dân bằng những bài báo hay, có tâm huyết và đạo đức của người viết báo; nhiều khi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt để có những sự kiện nóng hổi, chân thật đáp ứng với yêu cầu của công chúng, đòi hỏi của cuộc sống Nhân dân. Đấy chỉ có thể nói là lương tâm, trách nhiệm và đạo đức của một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận báo chí, thật sự là hình ảnh đẹp, ấn tượng của một người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Để giữ hình ảnh này mãi mãi trong trái tim của bạn đọc và công chúng thì hành động của người làm báo phải luôn trung thực, trước hết là với lương tâm mình; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Từ đó, mới thấy được nghề làm báo rất vinh quang, nhưng cũng nhiều trăn trở, khó khăn, đòi hỏi người làm báo phải có dũng khí đấu tranh, dám đi sâu vào thực tiễn, phản ảnh những vấn đề “gai góc”, bức thiết nhất, nóng hổi nhất của cuộc sống Nhân dân và xã hội; phê phán những cái xấu, cái ác, các quan điểm sai trái, thù địch, nêu gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong thực tế đã có những nhà báo và người thân bị uy hiếp, có nhà báo bị thương tích bởi lũ côn đồ, xã hội đen hành hung do viết những bài báo về chống tham nhũng, bôn lậu, làm hàng giả, khai thác tài nguyên trái phép, những bài báo bảo vệ cái đúng và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân… nhưng các nhà báo vẫn không từ bỏ nghề viết báo mà mình theo đuổi suốt đời. Thật đáng khâm phục và tôn vinh!
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo uyên bác, Người dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng đã từng nói: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”. Bác Hồ chỉ ra 5 điều mà nhà báo cần phải nhớ nằm lòng: Một là có lập trường chính trị vững vàng, cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, trình độ học vấn, đi sâu nghiên cứu nghiệp vụ… Hai là có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế, gần gủi dân chúng, khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Ba là thông tin phải chân thực, chính xác, cẩn thận về nội dung và hình thức. Theo Bác Hồ chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin, cho nên mỗi bài viết phải bắt nguồn từ thực tế và rà soát, kiểm chứng lại những gì mà mình đã thu thập được để bảo đảm độ chính xác cao. Bốn là bố cục ngắn gọn; ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Bác Hồ chỉ rõ ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc mà gọn gàng, rõ ràng, có đầu có đuôi, nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Muốn viết được ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu thì nhà báo phải học cách nói của quần chúng, hiểu biết thấu đáo về bản chất của vấn đề… Năm là thường xuyên nâng cao tay nghề để nâng cao chất lượng báo chí.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, người làm báo trước hết phải có lòng tin với chính mình và quần chúng, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những lời Bác Hồ căn dặn vào thực tiễn cuộc sống của Nhân dân bằng cả trái tim và khối óc, bằng lương tâm, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nếu không làm được điều này thì nhà báo cũng dễ bị cám dỗ bởi vật chất, sẽ uốn cong ngòi bút vì lợi ích cá nhân, dục vọng thấp hèn, viết những điều không đúng với thực tế, làm những điều không đúng với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới sa ngã không có lối thoát, phản bội lại Nhân dân và đất nước.
Xin trân trọng, tri ân và tôn vinh đội ngũ những nhà báo là những chiến sỹ cách mạng trên mặt trận báo chí và văn hóa, tư tưởng.
CTV Nguyễn Công Hài, UBND phường Cam Lợi, thành phố Cam Ranh