Trong thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, đi vào nền nếp, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật chặt chẽ; nhận thức của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với người lao động; việc giải quyết các vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam,...
Một số kết quả và những khó khăn, vướng mắc
Thực hiện chỉ đạo của của Chính phủ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, năm 2018-2019, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Quyết định số 3910/QĐ-UBND, ngày 14/12/2018 và Quyết định số 277/QĐ-UBND, ngày 25/01/2019), trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm trong năm 2019 là theo dõi tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN dành cho người lao động.
Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo thẩm quyền; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, Tổ thu nợ liên ngành, các đoàn giám sát việc thực hiện chế độ BHXH, BHTN, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, đã thanh tra, kiểm tra: 372 đơn vị và phối hợp thanh tra: 53 đơn vị sử dụng lao động; 6 tháng đầu năm 2019, đã thanh tra, kiểm tra: 53 đơn vị và phối hợp thanh tra: 05 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, tiếp tục đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Nhìn chung, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến ngày 30/6/2019, số doanh nghiệp và lao động đã tham gia BHXH: 4.945 doanh nghiệp; 106.896 lao động. Số doanh nghiệp và lao động chưa tham gia BHXH: 2.421 doanh nghiệp; 12.425 lao động, nguyên nhân là đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, sử dụng chủ yếu lao động gia đình hoặc lao động thời vụ; hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động và việc làm của các chủ doanh nghiệp thường không đầy đủ và ổn định. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, năm 2018, số nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 01 tháng trở lên là 73.821 triệu đồng (trong đó nợ lãi chậm đóng 22.557 triệu đồng); tỷ lệ nợ trên số kế hoạch 2,4% thấp hơn 0,09% so với tỷ lệ nợ BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phấn đấu. Tính đến tháng 6/2019, số nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 01 tháng trở lên là 110.026 triệu đồng (trong đó nợ lãi chậm đóng 22.022 triệu đồng); tỷ lệ nợ trên số kế hoạch 3,04% thấp hơn 0,19% so với tỷ lệ nợ BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phấn đấu.

Tuy nhiên, vẫn một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm túc thực hiện, thường xuyên có số dư nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) từ 03 tháng trở lên, đóng thiếu mức tiền lương khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động; vẫn còn tình trạng hợp đồng lao động thời vụ cho những công việc có tính chất thường xuyên để trốn tránh việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN; một số đơn vị chưa ghi đúng chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH cho người lao động; đóng thiếu 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh công việc đối với lao động đã qua đào tạo học nghề; hưởng trợ cấp BHXH không đúng quy định; một số đơn vị chậm, thậm chí không thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, không nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN (tính đến tháng 8/2019 còn 29 đơn vị chưa khắc phục nợ BHXH, BHYT BHTN, BHTNLĐ-BNN theo kết luận thanh tra, kiểm tra với số tiền 11.287.719.331 đồng). Nguyên nhân là do việc đóng BHXH ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc khả năng tài chính của doanh nghiệp không cho phép hoặc ý thức của chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến lợi ích của người lao động, trong khi chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ sức răn đe; trình tự xử lý các đơn vị nợ còn nhiều thủ tục, qua nhiều cơ quan tổ chức,... gây khó khăn trong việc củng cố hồ sơ để xử lý. Số đối tượng tham gia BHXH tăng hàng năm nhưng tỷ lệ tăng còn thấp; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện thấp do chế độ BHXH tự nguyện chưa thật sự thu hút và hấp dẫn nên người dân chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi thiết thực về lâu dài. Bên cạnh đó, việc giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT thấp hơn số chi khám chữa bệnh BHYT năm trước đã gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Công tác thực hiện cũng như phối hợp thực hiện giữa các ban, ngành, đoàn thể về chính sách BHXH, BHYT, BHTN chưa được chặt chẽ, hình thức đơn điệu, chủ yếu thông qua hoạt động kiểm tra và thu thập thông tin từ báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương nên hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Việc hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong khám chữa bệnh BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam còn chồng chéo, chưa rõ ràng đã gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Đơn cử như trường hợp vướng mắc thanh toán BHYT khi thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo theo Quyết định 2482/QĐ-BYT, ngày 13/4/2018 của Bộ Y tế, theo đó quy định Quy trình thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo thì thì y tá hoặc trợ lý y khoa của khoa Thận nhân tạo phải có chứng chỉ đào tạo 6 tháng về kỹ thuật lọc máu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ sở đào tạo, các Bệnh viện tuyến Trung ương chỉ tổ chức đào tạo 03 tháng về quy trình chạy thận nhân tạo, không có cơ sở đào tạo nào tổ chức đào tạo 6 tháng về kỹ thuật lọc máu. Do vướng quy định về thời gian đào tạo này nên Bảo hiểm xã hội tỉnh không có cơ sở đồng ý thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với các trường hợp khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật thận nhân tạo tại bệnh viện. Được biết, trước thực tế trên ngày 15/10/2019, Sở Y tế Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế xem xét, làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất chỉ đạo giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Giải pháp và kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trên lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian tới, UBND tỉnh đã xác định một số giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế trong các cơ quan, đơn vị. Tập trung, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng đến công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, cá nhân (xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật thường xuyên và có trọng điểm cho từng giai đoạn). Đảm bảo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đối thoại và tiếp công dân theo quy định. Kịp thời củng cố hồ sơ đối với các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài chuyển cơ quan công an điều tra khởi tố theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương xem xét một số nội dung cụ thể như: Cần hướng dẫn rõ danh mục nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo nghề để cơ quan BHXH có cơ sở thu BHXH đúng theo quy định và người lao động được đảm bảo quyền lợi về đào tạo nghề và được hưởng lương đúng quy định. Hướng dẫn việc xử lý đối với các khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, bỏ trốn,...tạo thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi nợ của cơ quan BHXH và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các đơn vị nói trên. Hướng dẫn hoặc tháo gõ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức Công đoàn khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đề nghị sửa đổi, điều chỉnh Luật BHYT nhằm đảm bảo công tác thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, khám chữa bệnh BHYT, giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT và quản lý quỹ BHYT phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Quang Chính - VPTU