Dịp này, đồng nghiệp cả nước trang trọng tổ chức kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. Bác Hồ là người đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy. Sự nghiệp báo chí của Người đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam. Năm 1953, trong bài Cách viết, Bác Hồ nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.
Hơn 90 năm qua, lớp lớp những nhà báo chân chính đã làm theo lời dạy của Người, tạo lập nên uy tín cho nghề báo. Nghề báo được xã hội trân trọng, yêu quý và tin tưởng. Các nhà báo tiền bối đã đúc rút những phẩm chất cần phải có đối với người làm báo chân chính, đó là “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Nghĩa là người làm báo phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm, phải trung thực, có tinh thần đấu tranh và năng lực nghề nghiệp.
Thực ra, nghề báo cũng như trăm ngàn nghề khác. Trong xã hội, ai cũng phải có một nghề để sống. Người làm nghề nào thì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp riêng của mình, hay khác đi là cần một chữ Tâm với đời, cho dù nghề đó giản đơn, bé mọn nhất. Tuy nhiên với riêng nghề báo, khi mọi người nhắc tới gần như luôn gắn liền với chữ Tâm.
Mấy trăm năm trước, đại thi hào Nguyễn Du đã đúc kết cuộc đời nàng Kiều, cũng là đời người nói chung bằng câu: “Thiện căn ở tại lòng ta; chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài…”. Thiện căn vốn từ chính lòng ta cho nên chữ Tâm phát xuất từ bản chất thuần lương vốn có của con người “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Trong cuộc sống, chữ Tâm của mỗi người cần phải được thường xuyên khơi gợi, nhắc nhớ và tu dưỡng thì chữ Tâm mới được giữ gìn, sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi.
Ngày nay, các cơ quan báo chí phát triển chưa từng thấy, đội ngũ những người tự nhận là “nhà báo” cũng đông đúc và phức tạp chưa từng thấy, nhiều trường hợp đã đi ra ngoài sự kiểm soát của chính các cơ quan báo chí. Và những hành vi ấy đã làm ảnh hưởng rất lớn đến những người làm báo chân chính. Bởi những người ấy chỉ muốn lợi dụng uy tín vốn có của nghề báo để trục lợi cá nhân, mà bất chấp mọi quy tắc đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Nói theo cách dân gian là làm nghề mà không có Tâm.
Hãy giản đơn mà nghĩ rằng: Sau mỗi dòng chữ, có khi là uy tín, danh dự, số phận một con người, có khi là số phận của cả một doanh nghiệp với cuộc sống bao nhiêu người lao động… Chỉ cần vậy thôi trước khi hạ bút. Hãy đặt chính bản thân mình vào hoàn cảnh đó để mà viết…
Đó là một cách giản dị nhất để rèn giũa, tu dưỡng chữ Tâm trong nghề báo!
Theo Báo Khánh Hòa