Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hơn 2 năm qua Chính phủ đã không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động (NLĐ). Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi trở lại nên NLĐ đang mong chờ được sớm điều chỉnh tăng lương.
Mong chờ tăng lương
Chị Lương Thị Trúc Vi làm công nhân Công ty TNHH Komega-X (Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) được 5 năm. Tổng thu nhập của chị chỉ được 5 triệu đồng/tháng, gồm tiền lương cơ bản hơn 3 triệu đồng, tăng ca 2 triệu đồng. Chồng chị cũng làm công nhân chế biến thủy sản trong khu công nghiệp này, mỗi tháng được hơn 7 triệu đồng. Thu nhập của vợ chồng chị tiết kiệm hết mức mới chỉ đủ lo chi tiêu hàng tháng cho gia đình. Chị Vi chia sẻ: “Tổng thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 12 triệu đồng/tháng, trong khi phải chi tiền thuê nhà trọ, ăn học của 2 con, sinh hoạt trong nhà nên không dư được đồng nào. Đó là chưa kể, khi công ty không có hàng, chúng tôi nghỉ tăng ca thì thu nhập bị giảm. Vì thế, ước mong có tiền tích cóp để mua đất, xây nhà rất xa vời. Đã thế, từ sau Tết đến nay, giá cả thị trường tăng trong khi thu nhập vẫn vậy nên cuộc sống gia đình càng khó khăn. Chúng tôi rất mong Nhà nước, doanh nghiệp sớm điều chỉnh tăng lương cho công nhân”.
Hoạt động sản xuất của công nhân Công ty TNHH MTV May mặc Thương mại và Dịch vụ Minh Sơn.
Tuy đã hơn 15 năm làm công nhân tại Công ty TNHH Fujiura Nha Trang nhưng đến nay, tổng thu nhập của chị Phạm Thị Thanh Luyến chỉ được gần 7 triệu đồng/tháng. Chị phải “co kéo” lắm mới lo được cho cuộc sống của 2 mẹ con. Chị Luyến cho biết: “Thu nhập thấp, một mình nuôi con nhỏ, lại phải thuê trọ nên cuộc sống của mẹ con tôi gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, hơn 2 năm nay, mức lương của công nhân không tăng. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm điều chỉnh tăng lương để cuộc sống bớt khó khăn hơn”…
Mức thu nhập trung bình còn thấp
Kể từ ngày 1-1-2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đang áp dụng mức lương tối thiểu từ vùng II đến vùng IV theo Nghị định số 90/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Cụ thể, mức 3.920.000 đồng/tháng (vùng II) áp dụng tại địa bàn TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh; mức 3.430.000 đồng/tháng (vùng III) áp dụng tại địa bàn thị xã Ninh Hòa và các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm; mức 3.070.000 đồng/tháng (vùng IV) áp dụng tại địa bàn huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. |
Theo thống kê của Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh, thu nhập bình quân của công nhân trong các doanh nghiệp thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh hiện nay chỉ đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này đã cộng cả các khoản hỗ trợ như: chuyên cần, thưởng năng suất, xăng xe, thuê nhà trọ và đặc biệt phần lớn là tiền lương tăng ca. Thu nhập thấp, NLĐ phải tiết kiệm hết mức mới đủ lo chi tiêu nên phần tích lũy rất hạn chế. Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, 2 năm qua, Chính phủ không điều chỉnh tăng lương cho NLĐ. Bây giờ, giá cả thị trường tăng cao, đồng lương hàng tháng của NLĐ không đủ chỉ tiêu khiến cuộc sống trở nên khó khăn. Do đó, hầu hết NLĐ đang rất mong Chính phủ, doanh nghiệp sớm điều chỉnh nâng lương cho họ.
Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tại 105 doanh nghiệp, mức tiền lương bình quân của NLĐ hiện nay là 8,4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 11,3 triệu đồng/người/tháng; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 8,6 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh 7,3 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 6,5 triệu đồng/người/tháng. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện tốt quy định về tiền lương, rất ít trường hợp xảy ra nợ lương của NLĐ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn có những giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện trả lương đúng quy định cho NLĐ. Đặc biệt, mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay đều được các doanh nghiệp áp dụng để thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Còn trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đều trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Đồng chí Bùi Đăng Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, qua 2 năm dịch bệnh, NLĐ, nhất là công nhân trong các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, trong khi tiền lương của họ không được điều chỉnh tăng. Sau Tết, giá xăng dầu tăng liên tục đã kéo theo giá cả các mặt hàng, chi phí tiêu dùng tăng cao làm cho cuộc sống của đa số NLĐ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần sớm điều chỉnh tăng lương cho NLĐ.
Theo đồng chí Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, đơn vị đã đề nghị các ngành, địa phương tiến hành đánh giá việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng hiện hành và đề xuất việc điều chỉnh vùng áp dụng mức lương tối thiểu trong thời gian tới. Qua tổng hợp cho thấy, tất cả các ngành, địa phương đều thống nhất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Riêng thị xã Ninh Hòa đề xuất điều chỉnh áp dụng từ vùng III lên vùng II như địa bàn TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh.
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp bàn và thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7. Đồng thời, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương đề xuất Chính phủ điều chỉnh áp dụng mức lương tối thiểu theo 4 vùng từ ngày 1-7 gồm: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu đề xuất tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đến 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
|
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202205/nguoi-lao-dong-mong-som-duoc-tang-luong-8252251/