Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, thời gian tới, thành phố sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Công tác quản lý chưa hiệu quả
Sau khi Báo Khánh Hòa có bài phóng sự “Ồ ạt khoét núi, san đồi ở Phước Đồng” (ngày 4-11-2020) và “Xẻo đất rừng, xây nhà trên núi” (ngày 9-11-2020), UBND TP. Nha Trang đã cho rà soát tình trạng phá đất rừng, phân lô bán nền ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Hòa nói riêng và toàn thành phố nói chung. Sau đó, UBND TP. Nha Trang có công văn phản hồi nội dung mà Báo Khánh Hòa phản ánh. Trong đó, lãnh đạo UBND TP. Nha Trang thừa nhận, việc đào núi, san ủi phân lô bán nền hoặc xây dựng nhà trên đất rừng sẽ làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường, gây nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân sinh sống tại khu vực đó. Do vậy, cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm nói trên; trách nhiệm quản lý, xử lý những hành vi vi phạm đó thuộc thẩm quyền của UBND các địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số địa phương còn buông lỏng quản lý và chưa kiên quyết trong công tác xử lý.
|
Theo ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có cả chủ quan và khách quan. Về khách quan, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn thành phố kéo theo người dân ở một số tỉnh, thành, các vùng lân cận tập trung về làm việc và sinh sống. Từ đó, hình thành những khu dân cư tự phát do người dân tự ý xây dựng hệ thống hạ tầng đường giao thông, đấu nối điện, nước không tuân thủ theo các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành. Hoạt động xây dựng diễn biến phức tạp, chủ yếu ở các xã và những khu vực sườn đồi, đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất. Về nguyên nhân chủ quan, do một số cá nhân nắm bắt được nhu cầu mua đất giá rẻ của người dân để có nơi sinh sống nên đã thu gom lại đất rừng của một số hộ rồi phân lô, rao bán. Bên cạnh đó, người dân có tâm lý chủ quan, ham mua đất giá rẻ, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả; công tác thực hiện các kế hoạch cưỡng chế chưa được triển khai thường xuyên để đủ sức răn đe, kiềm chế vi phạm.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, xử lý
|
Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, UBND TP. Nha Trang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường và đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp đào núi, san ủi trên đất rừng; xử lý nghiêm không để phát sinh tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng, phân lô chưa chuyển mục đích sử dụng đất và tiến hành đặt biển báo tại những khu vực đồi núi có hiện tượng cải tạo mặt bằng. Thành phố sẽ chuyển sang cơ quan điều tra nếu phát hiện việc mua bán trái phép có dấu hiệu lừa đảo hoặc hành vi san gạt gây ra hậu quả làm chết người. UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm theo các kế hoạch cưỡng chế đã được thành phố phê duyệt; tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý đối với các trường hợp xây dựng vi phạm để tổ chức cưỡng chế phá dỡ theo quy định.
Ông Dương cho biết, sắp tới, thành phố sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Cụ thể, sẽ thuê dịch vụ hệ thống tiếp nhận phản ánh vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng trên địa bàn thành phố; xây dựng phần mềm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng nhằm ngăn ngừa tình trạng thi công san lấp mặt bằng trái phép, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép và xây dựng trái phép, xây dựng trên đất vi phạm quy hoạch.
Ngoài ra, UBND TP. Nha Trang sẽ báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Nghị định số 139 (năm 2017) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng cho phù hợp. Theo đó, cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với những trường hợp xây dựng vi phạm; nghiên cứu bổ sung xử lý hành vi vi phạm về xây dựng công trình trên đất đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp...
Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, đối với các trường hợp san ủi đất rừng làm biến dạng địa hình, việc khôi phục hiện trạng ban đầu là không thể nên thành phố đã lập thủ tục thu hồi đất và giao cho địa phương quản lý; đồng thời xây dựng phương án sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng lấn chiếm đất. Việc người dân đã mua đất tại các khu đất rừng bị thu hồi, nếu người bán không trả lại tiền là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Nếu trường hợp người mua đất cho rằng việc mua bán đất có dấu hiệu lừa đảo thì trình báo cơ quan công an để được điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202101/nha-trang-se-ap-dung-cong-nghe-thong-tin-xu-ly-vi-pham-xay-dung-8203151/