Khu bảo tồn di tích Nhà xưa ông Hai Thái (thôn Xuân Phú, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) từng là một điểm sáng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để làm du lịch. Thế nhưng, hơn hai năm trở lại đây, khu du lịch này mất hết sức sống vì đơn vị chủ quản ngừng tổ chức dịch vụ đón khách.
Khu bảo tồn di tích Nhà xưa ông Hai Thái từng là một điểm du lịch rất hấp dẫn đối với những người yêu thích khám phá về văn hóa. Ngoài căn nhà xưa của ông Hai Thái, khi tiếp nhận khu nhà xưa, Công ty Cổ phần Yasaka-Saigon-Nhatrang đã đầu tư tôn tạo rất nhiều hạng mục mới làm nên không gian văn hóa rất sinh động. Có thể kể đến như: ngôi nhà cổ hơn trăm tuổi với 142 cột làm nơi trưng bày các nghề truyền thống, vật dụng sinh hoạt của người dân xứ Trầm Hương xưa, căn nhà cổ 36 cột làm nơi hội tiệc, các gian nhà cổ trưng bày gỗ lũa, đá cảnh… Sau khi khai trương vào tháng 9-2009, Nhà xưa ông Hai Thái đã thu hút rất nhiều du khách (đặc biệt là khách du lịch châu Âu) đến tham quan. Khách du lịch đã rất thích thú khi được tham quan khu du lịch bằng xe bò kéo, được hướng dẫn cách làm các món ăn dân dã, làm nông, cắm trại dã ngoại. Vào những ngày Tết cổ truyền, tại đây còn tái hiện Tết quê với các ông đồ viết thư pháp, những gánh hàng rong bán bánh chưng, bánh tét, các trò chơi dân gian đầu xuân... Đã có một thời gian dài, những người làm văn hóa du lịch nhắc đến Khu bảo tồn di tích Nhà xưa ông Hai Thái với một sự yêu mến trân trọng, như một điển hình giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa để phục vụ du lịch.
|
Thế nhưng, từ năm 2016, Khu bảo tồn di tích Nhà xưa ông Hai Thái ngừng tổ chức dịch vụ đón khách. Cả khu du lịch nên thơ hữu tình ở trong trạng thái “đóng băng”, mất dần sức sống. Cơn bão số 12 (tháng 11-2017) cũng đã làm hư hại một số cây cối, bảng biển hướng dẫn của khu du lịch này. Đến nay, sau hơn 2 năm ngừng đón khách, nhiều vật dụng ở khu du lịch đã bị hư hại. Nhiều người từng có dịp đến khu nhà xưa ông Hai Thái khi trở lại đây đều không khỏi tiếc nuối, ngậm ngùi. Những người làm ở đây cho biết, ngày trước khi còn mở cửa đón khách, khu du lịch này có khoảng 16 người làm, hiện tại nơi đây chỉ còn 4 người làm, chủ yếu là dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ; ai cũng buồn bã, tiếc nuối khi hoạt động của khu du lịch không còn được như trước.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tấn Ngọc - Tổng Giám đốc Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang cho biết: “Trước đây, mô hình Khu bảo tồn di tích Nhà xưa ông Hai Thái rất hiệu quả nhưng hiện nay không phù hợp. Khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa hiện nay chủ yếu là khách Trung Quốc và khách Nga. Lượng khách châu Âu bị sút giảm (đối tượng khách chính trước đây) nên không có khách đến tham quan. Chính vì vậy, chúng tôi phải ngừng đón khách, chỉ giữ lại một số người lao động để làm công tác duy tu, bảo dưỡng”. Theo ông Ngọc, công ty cũng đã mời một số đơn vị lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc đến để khảo sát nhưng họ không chọn làm điểm đến. Hiện nay, công ty đang tìm hướng đi khác, trong đó có cả ý định biến nơi đây thành một phim trường để thực hiện các cảnh quay cần bối cảnh xưa.
Năm 2017, bộ phim Mẹ chồng (đạo diễn Lý Minh Thắng) với sự tham gia của các diễn viên, người mẫu nổi tiếng như: Diễm My, Thanh Hằng, Lan Khuê… cũng đã chọn nhà xưa ông Hai Thái để thực hiện các cảnh quay chính. Đoàn phim đã quay ở đây hơn 1 tháng. MV nhạc phim Cánh hoa tàn do ca sĩ Hương Tràm thể hiện cũng có những cảnh quay rất đẹp ở khu du lịch này. Đáng tiếc, do ít được giới thiệu quảng bá, nên khán giả xem phim (kể cả người Khánh Hòa) không mấy ai biết chuyện phim Mẹ chồng đã chọn Khu bảo tồn Nhà xưa ông Hai Thái làm phim trường.
Theo Báo Khánh Hòa
Khu nhà xưa ông Hai Thái còn có tên gọi khác là Sở Dừa có diện tích khoảng 1.800m2, do ông Nguyễn Đình Thái (mất khoảng năm 1947 - 1948) người xã Vĩnh Trung lên Suối Tiên khai hoang lập ấp xây dựng. Ngôi nhà chính 5 gian theo kiểu kiến trúc Gô-tích với diện tích khoảng 300m2 được ông Thái xây dựng năm 1925. Ngoài ra, còn có nhà kho, nhà bếp (có lò nướng bánh mì kiểu phương Tây), giếng nước, hệ thống thủy lợi…
________________________________________
Sau năm 1975, khu nhà được giao cho UBND xã Suối Cát làm trường học. Năm 1990, khi trường học mới được xây dựng, chính quyền xã Suối Tiên (tách ra từ xã Suối Cát) đã giao cho vợ chồng ông Ngô Khịt trông coi. Sau khi ông Khịt mất, vợ ông đã về sống với con trai ở thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên nên khu nhà bị bỏ hoang. Năm 2008, UBND tỉnh đồng ý cho Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang tiếp quản, trùng tu tôn tạo khu nhà này thành điểm tham quan du lịch.