Những năm qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động tăng cường công tác giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương.
Thêm nhiều hoạt động trải nghiệm
Trong dịp kỷ niệm 77 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945 - 23-10-2022), Trường THCS Võ Văn Ký (TP. Nha Trang) tổ chức cho học sinh đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung; thăm nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Võ Văn Ký ở xã Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa). Qua chuyến đi, học sinh có dịp hiểu thêm những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông cho nền độc lập, tự do của đất nước. Cô Lê Thị Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký cho biết: “Hàng năm, nhà trường đều tổ chức hoạt động ngoại khóa đưa học sinh đến các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử cách mạng. Từ đó, học sinh có thêm những kiến thức, trải nghiệm thực tế về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương Khánh Hòa”.
|
Từ năm 2019 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình giáo dục địa phương đối với học sinh THCS và THPT. Những nội dung giáo dục về di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa được đưa vào chương trình dạy học chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Cụ thể, chương trình dạy học chính khóa được triển khai ở 34 trường THPT và 118 trường THCS. Những kiến thức về di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa được lồng ghép, tích hợp trong các môn học, như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngữ văn... Đối với hoạt động ngoại khóa, các trường tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tiếp lửa truyền thống... vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Tỉnh đoàn cũng tổ chức nhiều cuộc hành trình về nguồn, về địa chỉ đỏ, đến với di sản… Thông qua đó, có hơn 110.000 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi được giao lưu với những nhân chứng sống gắn liền với các sự kiện, địa danh lịch sử. Đơn vị tổ chức 3 hội thi sáng tác ấn phẩm tuyên truyền ca khúc cách mạng và lịch sử truyền thống quê hương Khánh Hòa với 62 tác phẩm được sáng tác; đưa thanh thiếu nhi đến với 37 địa điểm di tích, văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh các địa phương; thực hiện 3 đợt hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi, đưa thanh niên đến 7 địa điểm, di tích lịch sử cách mạng; 2 hành trình về địa chỉ đỏ, đưa cán bộ, đoàn viên đến các di tích lịch sử trong tỉnh…
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Theo đồng chí Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 2017, sở đã triển khai hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cho học sinh THCS ở quy mô cấp tỉnh. Qua đó, khuyến khích học sinh tìm hiểu những kiến thức về di sản văn hóa, di tích lịch sử nhằm góp phần giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh thường xuyên phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc cử nhân viên hướng dẫn, thuyết minh tại các địa điểm di tích lịch sử - văn hóa cho các đoàn học sinh đến tham quan. Tỉnh đoàn đã đăng tải hơn 80 bài viết, thông tin, hình ảnh về địa danh lịch sử - văn hóa, các lễ hội, phong tục truyền thống của người dân và vùng đất Khánh Hòa trên các trang mạng xã hội…
Trong khi đó, các trường học trên địa bàn Nha Trang đã phối hợp với Hội đồng Đội thành phố tổ chức các hoạt động đi tìm địa chỉ đỏ trên địa bàn, như: Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng; tham quan trải nghiệm tại Tháp Bà Ponagar; thăm làng nghề truyền thống; tìm hiểu truyền thống cách mạng dân tộc tại Bảo tàng tỉnh và Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma…
Tại TP. Cam Ranh, các hình ảnh, tư liệu về di sản văn hóa, di tích lịch sử được lồng ghép trưng bày tại nhà truyền thống. Vào các dịp lễ, Tết, ngành Văn hóa thường xuyên tổ chức trưng bày hình ảnh tại các trường học, trung tâm sinh hoạt chính trị văn hóa, công viên... Huyện Khánh Sơn tổ chức cho học sinh, đoàn viên, thanh niên viết tin bài giới thiệu về các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu qua các thời kỳ kháng chiến. Từ đó, đưa các nội dung tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa đến học sinh, thế hệ trẻ trên địa bàn huyện. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn yêu cầu đưa việc học tập, tham quan, nghiên cứu di tích vào chương trình giảng dạy; thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực gắn với bảo vệ di tích…
Có thể thấy, các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa đã nhận được sự quan tâm của các đơn vị, địa phương và đang được tiếp tục đẩy mạnh trong các cấp trường học. Từ đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, văn hóa của dân tộc đến thế hệ trẻ.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202211/quan-tam-giao-duc-truyen-thong-cho-the-he-tre-8269828/