Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên vừa qua, đại diện các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (GDTX-HN) cấp huyện bày tỏ băn khoăn trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Loay hoay tỷ lệ đào tạo, vượt giờ
Thực hiện chủ trương sắp xếp các cơ sở dạy nghề ở cấp huyện theo Thông tư số 39 của liên Bộ Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Lao động - Thương binh và Xã hội, tháng 7-2015, 8 Trung tâm TGDTX cấp huyện và 4 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở Cam Ranh, Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa được sáp nhập, đổi tên thành Trung tâm GDTX-HN của 8 đơn vị huyện, có nhiệm vụ tổ chức lớp học theo chương trình GDTX cấp THPT; phổ cập THPT; bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ và dạy nghề phổ thông cho học sinh (HS). Sau gần 3 năm, các trung tâm vẫn loay hoay dạy nghề phổ thông và dạy chương trình THPT hệ GDTX cho HS không học trường THPT công lập. Các nhiệm vụ khác như: dạy nghề ngắn hạn, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, tham gia hoạt động với các trung tâm học tập cộng đồng… chưa thực hiện được. Do đó, rất cần tiếp tục đổi mới sắp xếp lại các Trung tâm GDTX-HN.
|
Ông Lê Văn Hồng - Quyền Giám đốc Trung tâm GDTX-HN TP. Cam Ranh cho biết, năm học này, trung tâm được giao chỉ tiêu 450 HS, trong đó có 160 HS lớp 10. Đến nay, tuy đã tuyển được 162 HS khối lớp 10, nhưng tổng HS 3 khối lại chỉ còn 385 em, bởi có những em không theo đủ 3 năm học. Điều này đồng nghĩa trung tâm không hoàn thành tỷ lệ đào tạo.
Trong khi đó, từ năm 2017 đến nay, tại xã đảo Cam Bình (Cam Ranh) đã có 63 em học xong THCS không tiếp tục học hệ THPT hoặc học nghề. Tháng 8 vừa qua, làm việc với xã, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao UBND TP. Cam Ranh phối hợp Sở GD-ĐT tổ chức lớp GDTX cho 63 em này tại Cam Bình. Tỉnh và xã hỗ trợ chi phí đi lại cho giáo viên. Nếu tuyển được số HS này thì trung tâm cơ bản đạt chỉ tiêu giao, nhưng lại vướng kinh phí chi vượt giờ cho giáo viên. Trung tâm hiện có 9 giáo viên, đảm nhiệm 11 lớp, tất cả đều dạy vượt mức 17 tiết chuẩn/tuần. Việc bố trí giáo viên ra xã đảo dạy lớp 10, đồng nghĩa cần thanh toán khoản tiền dạy vượt giờ đáng kể (khoảng 97 triệu đồng).
Vướng mắc về tỷ lệ đào tạo không phải chuyện riêng ở Trung tâm GDTX-HN Cam Ranh. Các trung tâm khác cũng luôn trong tình cảnh tuyển sinh đã khó, giữ được HS còn khó hơn.
Dạy học cũng vướng
Các Tung tâm GDTX-HN ở Cam Ranh, Diên Khánh, Cam Lâm… còn chung tâm tư về chuyện dạy học. 3 năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT thực hiện đề thi chung, đầu ra chung cho hệ GDTX và THPT, nhưng khung thời gian học của 2 hệ vẫn giữ nguyên. Cụ thể, hệ GDTX thực hiện 32 tuần học/năm, hệ THPT là 37 tuần học. Điều này không đảm bảo khối lượng kiến thức chuẩn cho học viên GDTX vốn có sức học yếu hơn.
Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, ngày 25-7-2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, trước ngày 30-9-2018, sở chủ trì, phối hợp Sở GD-ĐT, ngành liên quan xây dựng đề án tham mưu UBND tỉnh sáp nhập Trung tâm GDTX-HN Cam Lâm và Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm; trước ngày 31-12-2018, tham mưu sáp nhập từng trường trung cấp nghề với từng Trung tâm GDTX-HN tại các địa phương: Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh… |
Để bảo đảm chương trình cho học viên, các trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, linh hoạt phân phối chương trình nhưng lại vướng biên chế. Các trung tâm được phép ký hợp đồng mời giáo viên trường phổ thông hoặc sinh viên sư phạm. Nhưng giáo viên trường phổ thông thì không dư thời gian, còn sinh viên sư phạm lại không mặn mà do thù lao chỉ 40.000 - 50.000 đồng/tiết (khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng). Nếu muốn chi thêm, các trung tâm chỉ có cách nâng học phí nhưng điều này không chỉ trái quy định, mà còn làm giảm học viên vì đa số các em thuộc diện khó khăn.
Liên quan đến thực hiện chủ trương phân luồng HS sau THCS, để khắc phục tình trạng HS dân tộc thiểu số và học viên nghèo, cận nghèo bỏ học, trên cơ sở nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ hỗ trợ cho HS dân tộc thiểu số và HS tốt nghiệp THCS đi học nghề, Trung tâm GDTX-HN Cam Ranh đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh, Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa tổ chức dạy chương trình GDTX cho HS kết hợp giáo dục hướng nghiệp, học nghề. Nhờ đó, năm 2017, tỷ lệ HS bỏ học ở trung tâm này giảm từ 20% (năm 2016) xuống còn 5,6%. Tuy nhiên, vẫn còn những phụ huynh, HS và cả giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về công tác phối hợp phân luồng.
Tại hội nghị, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT kết luận, việc đổi mới các trung tâm nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các trung tâm ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã hoàn thành sáp nhập, tới đây là các trung tâm ở Cam Lâm, Diên Khánh. Riêng 3 trung tâm thuộc Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Ranh, ngành sẽ có văn bản trình UBND tỉnh giữ lại, chưa sáp nhập. Giám đốc các Trung tâm GDTX-HN hoàn toàn được chủ động về kế hoạch dạy học với điều kiện đảm bảo không cắt giảm số tiết. Việc các trung tâm phối hợp với các trường nghề để dạy văn hóa và dạy nghề hướng nghiệp phổ thông là cần thiết.
Theo Báo Khánh Hòa