UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiên Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tại Quyết định 2227/QĐ-UBND, ngày 06/8/2018.
Theo đó, mục tiêu chung nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025: 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và 80% các trường đối với hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt ít nhất 80%. Ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt ít nhất 30%. Ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt ít nhất 35%.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Kế hoạch đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và Nhân dân về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. (2) Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; xây dựng mô hình thí điểm tại các một số trường cụ thể; tăng cường phối hợp cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động của địa phương và trong cả nước cho các cơ sở giáo dục để phục vụ việc định hướng và phân luồng. (3) Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. (4) Triển khai các biện pháp khuyến khích học sinh theo định hướng phân luồng như: tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; có chính sách hỗ trợ học sinh đi học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (5) Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; thường xuyên theo dõi, đánh giá chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên phạm vi toàn tỉnh và tại từng địa phương.
Cần sớm tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông. (Ảnh Internet)
Kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; từ nguồn kinh phí huy động của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác. Việc triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2018, đến năm 2025 sẽ tiến hành tổng kết trên toàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện; kịp thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, biện pháp thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời tham mưu việc tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện kế hoạch trên toàn tỉnh.
Có thể thấy, việc tăng cường hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Kế hoạch trên là rất cần thiết, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020” đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại Quyết định 1607/QĐ-UBND, ngày 07/6/2018.
Quang Chính