Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn đang diễn ra với số ca được công bố hàng ngày, với sự bình tĩnh và thần tốc chống dịch trên tinh thần chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Với biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và những gì đang diễn ra ở Ấn Độ và các nước lân cận, rõ ràng Covid-19 luôn đặt con người vào thế không được phép chủ quan, lơ là.
Đợt dịch này cũng cho thấy có nhiều sự thay đổi. Thay đổi trong cách xử lý, cũng thần tốc không kém việc truy vết, khoanh vùng. Đó là việc Đà Nẵng khởi tố vụ án cơ sở thẩm mỹ viện gây lây lan dịch ra cộng đồng; Hà Nội xem xét xử lý nghiêm vụ một giám đốc doanh nghiệp vi phạm phòng, chống dịch; hàng loạt lãnh đạo sở y tế, giám đốc trung tâm y tế một số địa phương đã bị phê bình, kiểm điểm, thậm chí bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nói như Thủ tướng Chính phủ, trong chống dịch cũng phải phân cấp trách nhiệm, không thể không ai chịu trách nhiệm khi để dịch lây lan. Chống dịch cũng phải cần những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”. Sức ép ấy đã có hiệu quả rõ ràng, bởi ngay lúc này, dửng dưng, đủng đỉnh chống dịch cũng là một cái tội.
Sự thay đổi ấy còn là về nhận thức của người dân. Hơn 20 ngày qua, mặc dù có lo lắng nhưng người dân không hoang mang, dao động, luôn tin tưởng vào cách phòng, chống dịch của Chính phủ. Cũng không có cảnh người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa, thực phẩm; người tung tin giả về Covid-19 cũng không nhiều như những đợt trước. Mọi thứ vẫn được kiểm soát tốt, nhịp sống vẫn trong trạng thái bình thường, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Không ai có thể biết được ngày hôm nay, ngày mai số ca nhiễm sẽ là bao nhiêu. Nhưng để chống lại sự lây lan của vi rút, mỗi người dân phải là một thành trì vững chắc để trước hết là tự bảo vệ mình, sau là bảo vệ cộng đồng. Những ngày chống dịch vừa qua cho thấy, có một sự kết nối giữa các cộng đồng dân cư với nhau. Trong đó, tính tự giác của mỗi người dân chính là nhân tố quan trọng. Tự giác khai báo y tế, tự giác thực hiện 5K, tự giác thay đổi thói quen… tất cả vì mục đích an toàn cho mọi người, mọi nhà.
Dĩ nhiên, đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, biết mình mang mầm bệnh nhưng vẫn vô tư đi đây đó, khai báo không trung thực làm không biết bao nhiêu người bỗng dưng thành F1, F2… Vì thế, không gì đáng ngạc nhiên khi nhiều cư dân mạng đã kêu gọi “xin hãy trung thực với cộng đồng”. Bởi chỉ vì một người ý thức kém, cả cộng đồng bị vạ lây, gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho đất nước.
Cần lắm những sự thay đổi đến từ ý thức của mỗi người!
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/202105/thay-doi-8216233/