Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 29/3/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ hết sức cấp bách, cần thiết và lâu dài; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch, chiến lược về lĩnh vực gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình băng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng đơn vị, địa phương. Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Việc đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ở các cấp chủ yếu chi cho các hoạt động phối hợp truyền thông về công tác gia đình và nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11; Tuyên truyền thông qua các buổi họp, sinh thoạt thôn/tổ dân phố; Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ; Hội nghị biểu dương, khen thưởng các gia đình tiêu biểu xuất sắc và các chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2017 đến nay, công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng được tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên với 15 tin, bài tuyên truyền về các nội dung liên quan đến công tác giáo dục đạo đức lối sống gia đình trên Báo Khánh Hòa; đưa 03 tin, bài, phóng sự về các hoạt động truyền thông nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Xây dựng kịch bản, dàn dựng, ghi hình 01 video clip tiểu phẩm về phòng, chống bạo lực gia đình và phát sóng trên kênh truyền hình Khánh Hòa (KTV) vào Ngày gia đình Việt Nam 28/6/2017.
Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai mô hình điểm “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa với kinh phí hỗ trợ hàng năm là 16.050.000đ, để từ đó triển khai nhân rộng mô hình cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là xã điểm triển khai Đề án của tỉnh, UBND xã Ninh Bình đã tổ chức phát sóng trên Đài truyền thanh xã tổng cộng 64 tin, bài viết với các nội dung về những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trong việc nuôi dạy con cái chăm ngoan, vượt khó học tập, gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, tin hoạt động Câu lạc bộ “Ông - bà - cháu”, Hội Khuyến học. Nhờ vậy, nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình ngày càng được nâng cao, tình trạng bạo lực gia đình có giảm hơn so với những năm trước.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Nguồn kinh phí để duy trì tuyên truyền ở khu dân cư, sinh hoạt của các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở còn rất hạn chế (kinh phí nhà nước cấp năm 2018 để triển khai thực hiện ở cấp tỉnh 126 triệu đồng; cấp huyện 150 triệu đồng; cấp xã 1,269 triệu đồng; kinh phí vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ chỉ khoảng trên 50 triệu đồng). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở cơ sở, đặc biệt là tuyên truyền trên hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên, còn mang tính thời vụ; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở còn thiếu, không ổn định và kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả chưa cao.
Để đưa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như: Tập trung xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt tại cơ sở là thành viên các Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Tổ hòa giải để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình tiêu biểu trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đặc biệt là cần huy động sức mạnh xã hội hóa trong quần chúng nhân dân để cùng tham gia, góp phần đạt hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo việc duy trì và nhân rộng mô hình điểm “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tổ chức, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm; kịp thời phát hiện, biểu dương khen thưởng những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; Tổ chức triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình,...
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của công tác này, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện “Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quang Chính - VPTU