Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua chủ trương trùng tu Thành cổ Diên Khánh giai đoạn 2 với kinh phí hơn 70,6 tỷ đồng. Dự kiến, dự án trùng tu gồm các hạng mục: phục chế thành đất khoảng 900m, các tiểu công viên, trồng cây xanh; nhà vệ sinh; hệ thống điện chiếu sáng; xây mới cầu vòm bắc qua hào nước ở cửa Hậu; xây mới tuyến đường nằm ngoài đường ranh giới bảo vệ; hệ thống thoát nước cho hào nước bao quanh thành… Tuy được thông qua nhưng tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh vừa qua, vẫn còn có những ý kiến băn khoăn, bởi đến nay vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh.
Thành cổ Diên Khánh là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị nhất của xứ Trầm Hương (được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1988). Theo các tài liệu nghiên cứu, thời Tây Sơn, Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn Diên Khánh để đắp lũy xây thành trấn thủ cả vùng Nam Trung bộ và chi viện cho Nam bộ. Sau khi vua Quang Trung qua đời, nhà Tây Sơn dần suy yếu, chúa Nguyễn Ánh từ phía Nam hưng binh cùng với hai vị tướng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đưa quân đánh chiếm Diên Khánh, xây dựng thành trì phòng ngự từ xa, giao cho hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc trấn giữ. Thành Diên Khánh được hoàn thành vào năm 1793, có trên diện tích khoảng 36.000m2 là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ XVII, XVIII. Thành hình lục giác nhưng các cạnh không đều nhau, tường thành đắp bằng đất cao khoảng 3,5m. Bên ngoài tường thành là hào nước sâu từ 3m - 5m, rộng từ 20m - 30m, hợp cùng với những hàng tre gai trên tường thành tạo nên hàng rào phòng ngự bao quanh bảo vệ thành theo truyền thống người Việt. Khu nội thành được xây dựng giống như một kinh thành thu nhỏ với hoàng cung, cột cờ, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh và phía dưới là dinh quan Tham tri. Ngoài ra, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố... Theo sử liệu, thuở mới xây dựng, thành Diên Khánh có 6 cửa, nhưng 2 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823, đến nay chỉ còn 4 cửa Đông - Tây - Tiền (phía nam) - Hậu (phía bắc).
Nhắc lại sơ qua về “lý lịch” Thành cổ để thấy, việc trùng tu Thành cổ cần phải được tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng. Trong trùng tu di tích có 2 hướng cơ bản: trùng tu, tái tạo di tích như vốn có và trùng tu giữ nguyên hiện trạng (chủ yếu gia cố di tích không để di tích bị xâm lấn, hư hại thêm). Theo đó, với Thành cổ Diên Khánh, trước hết chính quyền địa phương và ngành Văn hóa cần phải xác định quy mô của việc trùng tu Thành cổ. Nói vậy, bởi trước đây, đã từng có ý tưởng khôi phục Thành cổ Diên Khánh với đầy đủ các hạng mục vốn có, biến thành một điểm du lịch văn hóa lịch sử lớn theo kiểu thành cổ Hwaseong của Hàn Quốc.
|
Tại cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề: Sở Văn hóa - Thể thao có tính đến việc trùng tu các hạng mục trong nội thành hay không? Đặt câu hỏi này, đồng nghĩa với việc lãnh đạo HĐND tỉnh mong muốn cần phải có cái nhìn dài hơi hơn trong việc trùng tu Thành cổ Diên Khánh. Một khi đã xác định việc trùng tu di tích sẽ gắn chặt với việc khai thác du lịch thì phải xác định về quy mô để hình thành quy hoạch tổng thể ngay từ đầu, tránh cách làm manh mún, chắp vá.
Khánh Hòa đang phát triển mạnh về du lịch, bên cạnh các sản phẩm du lịch biển đảo, cần có thêm các loại hình du lịch khác, trong đó có các điểm, tour du lịch văn hóa. Việc thực hiện đại dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh (nếu có), đưa di tích trở thành điểm du lịch lớn rất có ý nghĩa với sự phát triển du lịch xứ Trầm Hương. Tất nhiên, để thực hiện điều này, cần phải có nghiên cứu khoa học cẩn trọng, hình thành quy hoạch tổng thể, sau đó sẽ phân kỳ giai đoạn để trùng tu tôn tạo. Để thực hiện ý tưởng này, cần phải giải tỏa nhiều công trình xây dựng đang hiện hữu trong nội thành, cần một nguồn kinh phí rất lớn, không loại trừ việc kêu gọi tiến hành dự án theo phương thức xã hội hóa. Trong quá trình thực hiện dự án, phải lựa chọn đơn vị có kinh nghiệm thi công, tổ chức giám sát chặt chẽ, phải tính toán đến cả đội ngũ nhân lực tham gia quản lý dự án sau khi hoàn thành việc trùng tu.
Việc tiến hành một dự án đại trùng tu Thành cổ Diên Khánh sẽ rất phức tạp nhưng không phải không thực hiện được, cái chính là quyết tâm, cách làm việc khoa học của chính quyền địa phương và ngành Văn hóa, sự đồng thuận của người dân. Việc TP. Đà Nẵng đang thực hiện trùng tu Thành cổ Điện Hải là một minh chứng.
Theo Báo Khánh Hoà