Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về công tác tuyển sinh lớp 1 trên địa bàn TP. Nha Trang năm học 2018 - 2019.
- Xin ông cho biết, công tác tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2018 - 2019 trên địa bàn TP. Nha Trang có điểm gì mới so với năm trước?
- Công tác tuyển sinh về cơ bản không thay đổi so với các năm. Điểm mới trong kế hoạch đó là thực hiện tuyển sinh vào lớp 1 đại trà trước, sau đó mới thực hiện tuyển sinh vào lớp 1 tiếng Pháp.
- Năm nay, tuyến tuyển sinh tiếp tục được phân theo địa bàn xã, phường. Với những xã, phường có từ 2 trường tiểu học trở lên thì việc quy định tuyến tuyển sinh như thế nào, thưa ông?
- Trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 1 hàng năm đều có quy định: những xã, phường có từ 2 trường tiểu học trở lên thì tùy theo tình hình thực tế, hiệu trưởng các trường cùng với UBND xã, phường quy định tuyến tuyển sinh phù hợp theo địa bàn thôn, tổ dân phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cự ly đến trường và thu hút hết số trẻ trong độ tuổi ở địa bàn ra lớp. Như vậy, đối với những xã, phường có từ 2 trường tiểu học trở lên, việc phân tuyến tuyển sinh do địa phương quy định.
- Các đợt tuyển sinh hàng năm, thành phố vẫn phải điều chuyển một số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh ở xã, phường này đến xã, phường khác. Vậy tình hình năm học tới như thế nào, thưa ông?
- Năm học tới, TP. Nha Trang vẫn thực hiện việc điều chuyển học sinh (HS) đối với các xã, phường còn thừa HS so với chỉ tiêu sang học các xã, phường lân cận còn thiếu chỉ tiêu, nhưng vẫn đảm bảo về cự ly theo quy định.
- Những năm gần đây, một số xã, phường thường có số HS trong độ tuổi vào lớp 1 cao hơn so với chỉ tiêu. Xin ông cho biết tình hình năm nay và cách giải quyết của thành phố?
- Theo điều tra, tổng số trẻ 6 tuổi (sinh năm 2012) vào lớp 1 năm học 2018 - 2019 là 7.756, vượt 221 em so với chỉ tiêu tuyển sinh là 7.535. Do công tác dự báo tốt, trẻ sinh năm 2012 là “tuổi Rồng vàng” nên TP. Nha Trang đã xây dựng kế hoạch tăng thêm 500 em so với hàng năm (bình quân mỗi năm trẻ vào lớp 1 từ 6.900 đến 7.200 em). Ngành Giáo dục đã chủ động có các phương án mở thêm lớp hoặc điều chuyển HS, do vậy thành phố không bị động trong công tác tuyển sinh dù số trẻ tăng cao so với các năm.
Đối với một số xã, phường có dân số tăng nhanh, do hình thành các khu đô thị như: Phước Đồng, Phước Long, Phước Hải, Vĩnh Hòa, thành phố có các phương án giải quyết như sau: với phường Phước Long, xây thêm 4 phòng học tại Trường Tiểu học Phước Long 1, đồng thời bổ sung quy hoạch xây thêm 1 trường tiểu học. Phường Phước Hải triển khai sớm giai đoạn 2, xây thêm 12 phòng học. Xã Phước Đồng bổ sung quy hoạch xây thêm 1 trường tiểu học. Phường Vĩnh Hòa xây thêm 2 phòng học tại Trường Tiểu học Vĩnh Hòa 1.
- Với tình hình đó, đội ngũ giáo viên có đủ đáp ứng không, thưa ông?
- Về cơ sở vật chất tạm đủ đáp ứng nhưng đội ngũ giáo viên hiện đang thiếu trầm trọng. Toàn ngành giáo dục thành phố hiện thiếu hơn 146 người nhưng biên chế không giao tăng thêm. Thành phố hiện đang xin cấp có thẩm quyền được hợp đồng giáo viên ngoài biên chế.
- Xin ông cho biết, cách xét duyệt hồ sơ trái tuyến vào lớp 1 của TP. Nha Trang năm nay như thế nào?
- Giống như các năm, các trường hợp xin học trái tuyến được quy định như sau: đối với những hồ sơ dự tuyển không thuộc tuyến tuyển sinh của trường, hội đồng tuyển sinh tiến hành họp xét, thể hiện qua biên bản họp của hội đồng có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong hội đồng, đảm bảo công khai, minh bạch, sau đó tập hợp đầy đủ hồ sơ gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xem xét, quyết định. Số lượng hồ sơ gửi về Phòng GD-ĐT không quá 3 hồ sơ/lớp. Thành phần xét duyệt hồ sơ trái tuyến gồm: lãnh đạo phòng GD-ĐT, hiệu trưởng nhà trường.
Những năm gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã và đang được UBND thành phố đầu tư, trang bị ngày càng hoàn thiện, đầy đủ nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất công tác dạy và học tại các trường, đồng thời UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT tiếp tục sắp xếp, điều chuyển giáo viên có chất lượng giữa các trường nhằm đảm bảo cân bằng về số lượng, chất lượng để nâng cao chất lượng giáo dục nên việc phụ huynh xin cho con học trái tuyến không còn nhiều, gây áp lực lớn như trước đây.
- Dù vậy, một số bạn đọc vẫn phản ánh tình trạng phụ huynh HS “gửi gắm”, hoặc “chạy” hộ khẩu để con được học tại trường của địa phương đó. Thành phố có giải pháp gì đối với vấn đề này, thưa ông?
- Để hạn chế vấn đề này, UBND thành phố đã yêu cầu UBND các xã, phường chỉ đạo các thôn, tổ dân phố cập nhật, lập danh sách chính xác tất cả trẻ 6 tuổi (sinh năm 2012) có hộ khẩu thường trú, tạm trú hiện đang có mặt tại địa phương tại thời điểm tháng 3-2018. Song song với việc cập nhật, thông báo cho nhân dân địa phương liên hệ với thôn, tổ dân phố đăng ký tuyển sinh lớp 1 cho con em mình vào các trường tiểu học trên địa bàn. Việc làm này đã phần nào hạn chế được tình trạng “gửi gắm”, “chạy” hộ khẩu.
- TP. Nha Trang có 3 trường tiểu học dạy chương trình tiếng Pháp là: Xương Huân 1, Tân Lập 2, Phước Hòa 2. Được biết, số HS thi tuyển vào các lớp tiếng Pháp những năm gần đây ngày càng giảm. Nếu tuyển HS tiếng Pháp không đủ chỉ tiêu thì việc tổ chức các lớp tiếng Pháp ra sao, thưa ông? Bên cạnh đó, có trường hợp phụ huynh đăng ký cho con học chương trình tiếng Pháp nhưng sang năm sau lại xin ra khỏi chương trình này, mục đích chỉ là để con được vào học 1 trong 3 trường nói trên. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Để khắc phục tình trạng các trường tuyển sinh vào lớp tiếng Pháp không đủ số lượng, năm nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch về việc hướng dẫn tổ chức tuyển sinh vào lớp 1 tiếng Pháp năm học 2018 – 2019. Trong đó việc tuyển sinh vào lớp 1 phải đảm bảo quy định về sĩ số HS 35 em/lớp. Trong trường hợp trường tuyển sinh không đủ số lượng, Phòng GD-ĐT sẽ điều chuyển các em trúng tuyển ở 3 trường về học tại 1 trường. Bên cạnh đó, phụ huynh HS phải làm đơn cam kết về việc cho con em mình theo học hết chương trình tiếng Pháp cấp tiểu học khi đã trúng tuyển.
Từ trước đến nay, đối với các trường hợp đặc biệt do thay đổi chỗ ở quá xa so với địa bàn 3 trường trên, các trường chỉ giải quyết cho HS được thôi học tiếng Pháp và chuyển trường về nơi thực đang sinh sống để tiếp tục học lớp đại trà, không giải quyết bất cứ trường hợp nào xin ra khỏi lớp tiếng Pháp được học các lớp đại trà tại cùng 1 trường.
- Việc công khai tuyến tuyển sinh, công khai danh sách trẻ đăng ký nhập học và danh sách HS được tuyển vào các trường năm học 2018 - 2019 được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Tuyến tuyển sinh đã có trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2018 - 2019 và được công khai rộng rãi trên cổng thông tin điện tử các đơn vị cũng như niêm yết tại các trường tiểu học. Việc thực hiện các bước công khai danh sách trẻ đăng ký nhập học tại các trường như sau: từ ngày 2 đến 7-7, tổ dân phố công khai danh sách số trẻ trong độ tuổi nhập học có mặt tại tổ dân phố. Từ ngày 9 đến 13-7, tổ dân phố công khai danh sách HS theo tuyến tuyển sinh sau khi được ban chỉ đạo tuyển sinh phân diện. Từ ngày 16 đến 20-7, UBND xã, phường công khai danh sách số trẻ toàn xã, phường đã được phân diện theo tuyến tuyển sinh; danh sách này được tổng hợp từ các tổ dân phố đã thực hiện ở bước 2. Từ ngày 23 đến 26-7, UBND xã, phường công khai danh sách chính thức đã được phân diện theo tuyến tuyển sinh sau khi đã giải quyết các thắc mắc; bàn giao danh sách này cho hội đồng tuyển sinh các trường xét tiếp nhận hồ sơ.
Địa điểm công khai là tại các tổ dân phố, UBND xã, phường và các trường trong địa bàn sau từng bước thực hiện thống kê, xác minh.
- Thành phố kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm học 2018 - 2019 như thế nào để việc tuyển sinh ở các trường đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch, thưa ông?
- Công tác kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm học 2018 - 2019 được giao cho Phòng GD-ĐT thực hiện. Trong quá trình kiểm tra, nếu các đơn vị thực hiện không đúng theo hướng dẫn tại kế hoạch, Phòng GD-ĐT tham mưu UBND thành phố có văn bản chấn chỉnh để việc tuyển sinh ở các trường đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch.
- Xin cảm ơn ông!