Phần mềm quản lý điểm, hay còn gọi là sổ điểm điện tử đã được triển khai thí điểm ở một số trường học trên địa bàn tỉnh từ năm học 2015 - 2016. Từ năm học 2017 - 2018, phần mềm này triển khai ở tất cả các trường THCS, THPT và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Với nhiều tính năng ưu việt, phần mềm đã góp phần làm đơn giản hóa công tác quản lý giáo dục.
Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) sử dụng sổ điểm điện tử thay thế cho sổ giấy truyền thống từ năm học 2016 - 2017. Qua 2 năm thực hiện, hình thức này đã mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý và hồ sơ giáo viên (GV). Theo đó, GV chủ nhiệm cập nhật hồ sơ của học sinh (HS) từ đầu năm và trong năm khi có thay đổi, cập nhật tình hình nề nếp, chuyên cần của HS hàng ngày, khen thưởng và nhắn tin thông báo kết quả rèn luyện của HS cho phụ huynh. GV bộ môn cập nhật điểm thường xuyên khi kiểm tra cùng với nhận xét những HS đặc biệt, giúp ban giám hiệu, GV chủ nhiệm và phụ huynh nắm bắt tình hình. Tổ trưởng bộ môn giám sát tiến độ cập nhật điểm và chất lượng môn học của GV ở từng cột điểm theo định kỳ, kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm khi sinh hoạt chuyên môn. Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm việc quản lý, theo dõi thông báo nhắc nhở và khóa điểm trước, sau thi học kỳ. Để phòng ngừa sự cố bị mất dữ liệu do lỗi phần mềm, sau một năm học, nhà trường đều xuất kết quả và lưu trữ riêng dưới hình thức khác. Các công việc liên quan đến sổ điểm điện tử cũng được bố trí phù hợp để tránh việc in đi in lại nhiều lần sổ điểm của lớp.
|
Theo thầy Trần Đắc Trường - Hiệu trưởng nhà trường, hiệu quả của sổ điểm điện tử rất ưu việt, thể hiện ngay từ quá trình bắt đầu nhập điểm đến khi xuất sổ với độ chính xác 100%. Khi nhập hay sửa, phần mềm đều lưu lại chi tiết. Chỉ cần truy cập vào website smsedu.vn, phụ huynh có thể nhanh chóng nắm bắt được kết quả học tập, rèn luyện của con em mình, cũng như nắm bắt kịp thời toàn bộ thông tin của HS, đội ngũ GV đang giảng dạy. Dưới sự giám sát của Sở GD-ĐT và tất cả GV, phụ huynh, hệ thống điểm trực tuyến hạn chế những tiêu cực trong việc xin, sửa điểm. Với phạm vi rộng, sổ điểm cũng góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức HS để có kết quả tốt hơn.
Sau 1 năm triển khai sổ điểm điện tử, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang), THPT Lê Hồng Phong (huyện Vạn Ninh) cũng đánh giá phần mềm giúp tiết kiệm thời gian, công sức của GV. Việc tính toán, xếp loại học lực của HS nhẹ nhàng và chính xác hơn so với sổ điểm giấy. Thông qua tin nhắn SMS, việc thông tin tới GV và liên lạc thường xuyên với phụ huynh, HS nhằm phối hợp trong công tác giáo dục hiệu quả hơn hẳn so với trước.
Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cũng đánh giá việc ứng dụng sổ điểm điện tử tại các trường THCS trong 3 năm qua có nhiều tiện ích. Phần mềm hoạt động online, không cần cài đặt là một lợi thế lớn vì không phụ thuộc vào cấu hình thiết bị, với giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Hệ thống tin nhắn đến phụ huynh, HS được đánh giá là kịp thời, điển hình là việc thông báo nghỉ học đột xuất trong cơn bão số 12 năm 2017. Chỉ cần thiết bị kết nối mạng, GV có thể nhập điểm mọi lúc, mọi nơi. Việc sửa điểm cũng có sự giám sát của các cấp quản lý. Ngoài ra, hệ thống còn tự động xếp loại học lực HS sau khi có điểm tổng kết các môn, hạn chế sai sót so với trước.
Tuy vậy, theo ghi nhận từ các trường, thời gian đầu việc ứng dụng sổ điểm điện tử vẫn còn một số hạn chế như: GV lúng túng khi làm việc trên hệ thống; quá tải vào lúc cao điểm; vẫn có trường hợp GV in bảng điểm nhầm lẫn; chậm cập nhật nhận xét đánh giá kết quả HS; các biểu mẫu thống kê trên phần mềm chưa thống nhất với các biểu mẫu của Sở GD-ĐT. Phần mềm cũng chưa có công thức tính điểm song ngữ, ngoại ngữ 2 cho HS song ngữ và lớp tăng cường tiếng Pháp ở Trường THCS Trần Quốc Toản (Nha Trang)…
Tại hội nghị về công tác ứng dụng công nghệ thông tin do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, ông Lê Văn Hòa - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT cho biết, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục hợp tác với VNPT và Viettel Khánh Hòa khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu từ cấp trường đến sở. Mục tiêu hướng đến là những năm tới không chỉ đơn thuần giúp quản lý hồ sơ chuyên môn mà còn xây dựng một hệ thống thông tin bao quát toàn bộ hoạt động của hệ thống GD-ĐT trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Khánh Hòa