Mới đây, bên lề hội thảo Đề đốc Trịnh Phong - thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa, nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo Khánh Hòa về một số vấn đề liên quan đến cách nhìn nhận và khai thác các giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
- Thưa ông, hiện nay, thuật ngữ công nghiệp văn hóa được sử dụng ngày càng nhiều và đó được xem là mục tiêu cho sự phát triển của ngành văn hóa. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
- Khái niệm về công nghiệp văn hóa được nhắc nhiều trong thời gian gần đây, có lẽ điều đó đến từ việc chúng ta đã quan sát đến các nước trong khu vực và châu lục. Cụ thể hơn là nhìn vào đất nước Hàn Quốc, khi họ đã tạo nên được những lối sống mới, làn sóng mới trong âm nhạc, điện ảnh… khiến cho nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia tiên tiến, các nước phương Tây cũng phải coi đó không chỉ là hiện tượng, mà là tấm gương cần học hỏi. Tôi nghĩ chính bây giờ chúng ta đặt ra câu chuyện đầu tư cho văn hóa để không lãng phí, có thể khai thác, phát huy được các nguồn lực nhằm nuôi dưỡng, phát triển văn hóa của đất nước là rất cần thiết, bởi văn hóa luôn là một phần của đời sống. Tuy nhiên, khi nói đến công nghiệp văn hóa, chúng ta cần sự đầu tư bài bản, có quy hoạch, tính chuyên nghiệp rất cao. Những điều đó sẽ góp phần làm thay đổi tư duy về văn hóa.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
- Khánh Hòa đang bắt tay triển khai thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng mang tính đột phá để xây dựng, phát triển địa phương trong thời gian tới. Vậy theo ông, trên hành trình đó, địa phương cần có sự nhìn nhận và xác lập vị trí văn hóa như thế nào?
- Tỉnh Khánh Hòa được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều điều thuận lợi để phát triển. Từ vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên phong phú. Vẻ đẹp của vịnh Nha Trang được cả thế giới công nhận, cùng với đó là những sản vật cao cấp... Bên cạnh đó, truyền thống lịch sử, văn hóa của người dân Khánh Hòa cũng đa dạng, nhiều tầng. Vậy nên, chúng ta phải biết khai thác những lợi thế đó và bước đi quan trọng nhất là phát huy từ nội tại mới có thể bền vững được. Chúng ta học hỏi thế giới bên ngoài là điều rất cần thiết, nhưng bản thân người dân Khánh Hòa phải thực sự có nhu cầu văn hóa, hiểu biết và khai thác những gì mà chính mảnh đất này mang lại cho mình. Bởi nếu đây là xứ sở “địa linh” thì tại sao chúng ta không thành “nhân kiệt” được?
Khánh Hòa là vùng đất đã được thế giới biết đến từ lâu, đã trở thành biểu tượng khi du khách các nước nói đến du lịch Việt Nam. Do đó, tỉnh cần hết sức chú ý đến khai thác tiềm năng, bởi du khách đến Nha Trang - Khánh Hòa không đơn thuần là để ở trong những khu du lịch tiện nghi sang trọng, họ còn muốn tìm hiểu, khám phá thiên nhiên vốn có, lối sống, tập quán của người dân địa phương… Vậy nên, khi nhìn thấy Nha Trang - Khánh Hòa phát triển, bản thân tôi cũng thấy vừa mừng, vừa lo. Nếu chúng ta cứ cố gắng phát triển cơ sở vật chất hoành tráng, nhưng thiếu sự quan tâm đến văn hóa, để văn hóa ngày càng mờ nhạt là điều không nên. Tôi rất mong chính quyền và người dân Khánh Hòa trên bước đường xây dựng địa phương bứt phá đi lên, cần quan tâm đến sự phát triển văn hóa một cách xứng tầm.
- Xin cảm ơn ông!
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202207/van-hoa-can-duoc-quan-tam-dau-tu-xung-tam-8257504