Trong khi nhiều hộ gia đình chưa khắc phục xong hậu quả cơn bão số 12 năm 2017 thì người dân Xóm Núi, Xóm Mũi (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) lại tất tả chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm 2018.
Những căn nhà tạm chênh vênh
Người dân Xóm Núi và Xóm Mũi đa số làm biển, cuộc sống nghèo khó; nhà ở tạm bợ, mái tôn, vách ván. Cơn bão số 12 đã làm sập và tốc mái cả trăm ngôi nhà, khiến cuộc sống người dân càng khốn khó hơn. Sau 1 năm, một số ngôi nhà vẫn chưa được dựng lại; nhiều ngôi nhà chỉ được dựng tạm.
|
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Xóm Núi, thôn Thành Phát) cho biết, cơn bão số 12 đã làm căn nhà tôn hơn 50m2 của chị bị sập hoàn toàn. Vợ chồng chị làm thuê ở cảng cá Hòn Rớ, thu nhập bấp bênh chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con nhỏ đến trường nên không có tiền làm nhà. Sau bão, vợ chồng chị đi nhặt lại tôn cũ bay, dựng lại căn nhà tôn tạm chưa tới 20m2 để có chỗ che mưa che nắng. Nhà của chị Nguyễn Thị Cúc - hàng xóm của chị Hạnh, cũng bị bão cuốn sập hoàn toàn. Đến nay, chị vẫn chưa dựng lại được nhà, hàng ngày phải sinh hoạt ở nhà mẹ đẻ, buổi tối thì cả gia đình ngủ nhờ ở nhà chị gái. “Bây giờ làm một căn nhà tôn tạm để ở cũng mất ít nhất vài chục triệu đồng, không có tiền nên vợ chồng tôi đành buông xuôi, đến đâu hay đến đấy”, chị Cúc nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, Xóm Núi và Xóm Mũi có khoảng 600 hộ. Khu vực này toàn nhà tạm bợ. Cơn bão số 12 năm 2017, 2 xóm này thiệt hại nặng nề, nhà sập và tốc mái hàng loạt, lên đến cả trăm hộ. Sau bão, chính quyền chỉ hỗ trợ gạo cứu đói theo quy định và hỗ trợ thêm mỗi hộ 3 triệu đồng. Cuộc sống của người dân đa phần đều khó khăn vì chủ yếu làm nghề biển, thu nhập bấp bênh, cuộc sống chật vật.
Lo sợ trước mùa mưa
Mùa mưa bão năm 2018 đang tới gần, người dân ở Xóm Núi và Xóm Mũi càng lo lắng, bất an. Một số người đã sửa chữa nhà cửa để ứng phó. Gia đình ông Huỳnh Văn Anh (thôn Thành Phát) thuộc diện hộ nghèo của xã. Đợt bão năm 2017, nhà ông bị tốc mái, nhờ chính quyền tạo điều kiện nên gia đình ông vay được 20 triệu đồng. Ông đã dùng một phần số tiền vay được để sửa chữa tạm lại nhà. “Tuy nhà được sửa rồi nhưng tôi cũng lo. Sửa kiểu chắp vá nên mái và vách yếu lắm. Chỉ mong năm nay trời không có bão to, nếu không khó mà chống chọi được với gió giật”, ông Anh nói.
Bà Lương Thị Bảy - hàng xóm của ông Anh thì khó khăn hơn, không đủ tiền làm lại con lươn trên mái nhà nên nhà bà dột khắp nơi mỗi khi có mưa. Bà khắc phục bằng cách mua bạt về phủ lên mái nhà để chống dột và giảm chi phí. “Con trai tôi đi biển lâu lâu mới về, tôi thì già rồi sao cũng được, chỉ tội 2 đứa cháu nhỏ, nhà dột khắp nơi, ướt át không có chỗ ngủ”, bà Bảy nói.
Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước đồng cho biết, Xóm Núi và Xóm Mũi là 2 khu vực trọng điểm trong phương án phòng, chống lụt bão của xã. 2 khu vực này đa phần nhà dân đều tạm bợ, dễ bị sập khi có gió mạnh, mưa lớn. Nhiều nhà nằm trên vách núi cheo leo, dễ sạt lở khi mưa kéo dài. Vì vậy, chính quyền luôn khuyến cáo người dân trước mùa mưa phải lo chủ động chằng chống nhà cửa, đề phòng sạt lở đất đá, chuẩn bị sẵn sàng vật dụng để có thể di chuyển đến nơi an toàn nếu có mưa bão lớn xảy ra. Xã cũng đã lên phương án sẵn sàng di dời dân (hơn 1.200 khẩu) về các trường học, nhà thi đấu thể thao để đảm bảo an toàn khi có bão, nguy cơ sạt lở đất đá. Vừa qua, một doanh nghiệp đang thi công dự án gần khu vực Xóm Núi thì có mưa lớn, nước chảy mạnh đã kéo theo đất đá tràn xuống đường đi, nguy cơ tràn sang khu dân cư. Chính quyền đã làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu ngăn chặn việc đất đá tràn xuống khu dân cư khi có mưa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước mùa mưa.
Theo Báo Khánh Hòa