Tín ngưỡng, tôn giáo là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ giúp ổn định đời sống tinh thần, tâm linh của người dân mà còn góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quan điểm vừa nêu được Đảng thừa nhận, khẳng định nhiều lần qua mỗi kỳ đại hội, thể hiện đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đã khẳng định đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị cũng khẳng định khẳng định cần phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục khẳng định quan điểm tôn trọng và phát huy giá trị văn hóa, đạo đức của tín ngưỡng, tôn giáo “khuyến khích lý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện...” trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục, khắc phục tệ mê tín dị đoan, chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu.
Gần đây nhất, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thêm một lần nữa khẳng định “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, niềm tin tôn giáo đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần vào đồng thuận, tiến bộ xã hội. Giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo có sức lan tỏa lớn và bền bỉ bồi bổ thêm giá trị đạo đức xã hội, đó là tình yêu thương, bác ái và hướng thiện phù hợp với phát triển bền vững về đạo đức, văn hóa Việt Nam, đã và đang tác động đến đời sống tâm linh của nhiều người. Tôn giáo khuyên răn con người làm lành, lánh dữ, biết sống vì cộng đồng, tránh xa các tệ nạn xã hội, đề cao đạo làm người và trân trọng các mối quan hệ gia đình, cộng đồng, tiết độ trong cuộc sống, tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là bệ đỡ để cải thiện những yếu tố thiếu trách nhiệm đang cản trở sự phát triển bền vững trong mỗi gia đình và cộng đồng. Như vậy, giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo sẽ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam.
Vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội của tỉnh Khánh Hòa
Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có tổng diện tích tự nhiên là 5.137,8 km²; dân số toàn tỉnh trên 1,2 triệu người. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 tôn giáo hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và Cơ đốc Phục lâm Việt Nam với 21 tổ chức tôn giáo hợp pháp được công nhận và 01 tổ chức đang xin thành lập là Pháp tạng Phật giáo Việt Nam với 1893 chức sắc, nhà tu hành, 3.755 chức việc, khoảng 371.620 tín đồ (chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh), đang sinh hoạt tại 633 cơ sở tôn giáo (trong đó 515 cơ sở tôn giáo hợp pháp và 106 cơ sở chưa hợp pháp). Trong những năm qua, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ quy định pháp luật và gắn bó đồng hành cùng dân tộc, phát huy được những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo, được thể hiện trong hệ thống triết lý, giáo lý và những điều răn, giới, cấm nhằm điều chỉnh ý thức, hành vi của tín đồ và được tín đồ tin theo một cách tự nguyện, tự giác. Giá trị đó, ngoài việc bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn đề cập đến những chuẩn mực đạo đức chung như sống hiếu thảo, trung thực, nhân ái, hướng tới điều lành, tránh xa điều ác. Niềm tin tôn giáo đã trở thành nhu cầu của một bộ phận người dân, giúp họ vượt qua những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, hy vọng một tương lai tươi sáng hơn. Ví dụ như: Phật giáo với quan niệm về tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ hay về luật nhân - quả đã làm sâu sắc và phong phú những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Giá trị đạo đức của Công giáo được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó có 7 điều khuyên răn về đạo đức làm người như: Thảo kính cha mẹ, không được giết người, không được dâm dục, không được gian tham lấy của người khác, không được làm chứng dối, che giấu sự gian trá, không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác, không được ham muốn của cải trái lẽ. Đạo đức Hồi giáo đã đem lại những giá trị quý báu, đặc sắc về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Chăm… Hôn nhân một vợ một chồng được nhiều tôn giáo coi trọng, các tôn giáo cấm người có vợ, có chồng kết hôn, ngoại tình, ruồng bỏ vợ, con rất phù hợp với văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Trong gia đình, ngoài yếu tố truyền thống thì niềm tin tôn giáo là bệ đỡ tinh thần, sự bao bọc của niềm tin tôn giáo làm cho các thành viên trong gia đình hỗ trợ nhau tốt hơn trong cuộc sống, góp phần chống lại sự xâm nhập của tệ nạn xã hội.
Các tôn giáo đã thể hiện giá trị đạo đức, văn hóa trong triết lý, giáo lý của mình trong thực tiễn bằng việc tích cực tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, công tác an sinh xã hội, trong đó có các phong trào thi đua mang tính đặc thù của từng tôn giáo, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo”; “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”; "Gắn bó đồng hành với dân tộc và xây dựng chùa tinh tiến”; “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, hay các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư...
Tiêu biểu như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đã được Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Khánh Hòa cụ thể hóa bằng các cuộc vận động và mô hình Xứ đạo bình yên, Xứ đạo tiên tiến, Tiếng kẻng an ninh, Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, Gia đình Công giáo thực hiện nếp sống văn hóa… Những mô hình này đã giúp các gia đình chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con và những tình huống trong gia đình, ngoài xã hội; cập nhật tình hình an ninh trật tự tại địa phương, chính sách pháp luật của Nhà nước… Qua đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc và nâng cao ý thức phòng chống tệ nạn xã hội, cảnh giác trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời phát huy những giá trị đạo đức tôn giáo để xây dựng cuộc sống bình yên, quê hương giàu đẹp, văn minh.
Giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo còn được thực hiện bởi đội ngũ chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, thông qua vai trò truyền đạo, hành đạo và quản đạo, họ luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn và làm lan tỏa giá trị tinh thần của tôn giáo trong cộng đồng. Trong cộng đồng tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành luôn đóng vai trò làm trung gian hòa giải các bất đồng, mâu thuẫn trong các gia đình, cộng đồng, thậm chí là hòa giải xung đột giữa các thiết chế xã hội. Khuyên bảo tín đồ chăm chỉ làm ăn, chấp hành pháp luật, tránh các tệ nạn xã hội, chấp hành các chủ trương, chính sách ở địa phương; xây dựng tình làng nghĩa xóm, tôn trọng và đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Những việc làm bền bỉ đó đã tạo sự ổn định và làm nên sự gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo và làm cho tôn giáo luôn có vị trí nhất định trong đời sống xã hội.
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà Tết Tòa Giám mục Giáo phận Nha Trang. Ảnh Báo Khánh Hòa
Các tôn giáo đều quan tâm đến hòa bình, hòa hợp, lên án những bất công, những điêu xấu, nên giá trị đạo đức tôn giáo luôn góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cộng đồng tôn giáo là những tổ chức có tính tự quản cao, tín đồ ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh trật tự, góp phần bài trừ một số tập tục lạc hậu, hạn chế thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Bởi vậy, ở những nơi có đông tín đồ tôn giáo tình hình an ninh trật tự tốt hơn các nơi khác và các tệ nạn xã hội cũng ít xâm nhập, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở mỗi địa phương và cả nước.
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà Tết Ban đại diện Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh tỉnh. Ảnh Báo Khánh Hòa
Bên cạnh hệ thống triết lý sâu sắc, tôn giáo còn đóng góp vào văn hóa dân tộc những công trình mang các giá trị nhân văn sâu sắc, như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, các sinh hoạt tôn giáo - văn hóa cộng đồng... Nhiều cơ sở thờ tự cũng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của tỉnh, như Nhà Thờ Núi ở Nha Trang, chùa Kim Long, chùa Thiên Bửu ở Ninh Hòa, chùa Linh Sơn ở Cam Lâm, chùa Hội Phước ở Nha Trang, Tháp Bà Ponagar Nha Trang, Chùa Phật Trắng (Chùa Long Sơn) Chùa Ốc Cam Ranh (Chùa Từ Vân), Chùa Suối Đổ, là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với nền văn hóa – lịch sử Chăm pa độc đáo.
Ngoài những đóng góp về giá trị văn hóa, đạo đức, các tôn giáo còn đóng vai trò là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế ổn định hàng năm của tỉnh có sự đóng góp từ nguồn nhân lực và nguồn vốn của tín đồ các tôn giáo. Họ chính là người làm ra của cải không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác góp phần vào phát triến kinh tế của tỉnh. Tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo tại địa phương. Cụ thể:
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 76 cơ sở của các tôn giáo hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, gồm: 16 cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dạy trẻ em nghèo, tàn tật, người không nơi nương tựa, mắc bệnh hiểm nghèo,... cho 665 đối tượng; 51 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nuôi dạy 4.700 trẻ và có 09 cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho khoảng 1.750 lượt người/tháng (có phụ lục kèm theo). Nhìn chung, hoạt động xã hội của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh nghiêm chỉnh chấp hành tốt quy định của pháp luật trong lĩnh vực tham gia, thực hiện tốt chế độ nuôi dạy, chăm sóc, nuôi dưỡng, khám, chữa bệnh cho đối tượng được thụ hưởng; đội ngũ nhân viên, cộng tác viên có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ để các cơ sở thực hiện đúng quy định.
Trong lĩnh vực giáo dục: Nhiều cơ sở giáo dục (chủ yếu là mầm non) được thành lập từ khả năng của các cơ sở tôn giáo và sự đóng góp của các nhà hảo tâm nhờ sự vận động của các vị chức sắc, nhà tu hành tôn giáo đã tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Nhiều chức sắc là tăng ni, nữ tu với vai trò quản lý, giáo viên đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục, gắn bó cả cuộc đời mình để chăm lo cho trẻ, coi trường là nhà, chăm sóc, yêu thương trẻ như chính người thân của mình. Hầu hết tiềm lực về nguồn kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục do các tổ chức tôn giáo đứng ra tự lo; đặc biệt đối với các Dòng tu đạo Công giáo việc mở các lớp, nhóm trẻ, trường mần non là nằm trong chương trình mục vụ của các Dòng tu, do vậy các tổ chức này có tiềm lực lớn về kinh phí, con người và cơ sở vật chất khi tham gia, đây cũng là thế mạnh của các Dòng tu Công giáo với 45 cơ sở giáo dục chiếm 88,2% và Phật giáo có 06 cơ sở chiếm 11,8%.
Trong lĩnh vực y tế: Trong thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế một cách nghiêm túc và đúng tôn chỉ, mục đích. Các cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư, trang bị và quản lý khá tốt. Đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên, tình nguyện viên có chứng chỉ hành nghề phù hợp, được đào tạo từ các trường chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc bệnh nhân, vì vậy tạo dựng được niềm tin của người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Nhiều tổ chức và cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ và đóng góp công sức và tài chính cho các hoạt động đầy ý nghĩa này. Những hoạt động này đã góp phần cùng với chính quyền chăm lo khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và thực hiện tốt an sinh xã hội, qua đó đã thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc. Do y tế là lĩnh vực có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người và trang thiết bị, phục vụ phải đáp ứng được điều kiện theo quy định; do vậy đối với các cơ sở khám chữa bệnh được các tôn giáo đầu tư xây dựng khá hiện đại bằng nguồn 3 vốn của tôn giáo và huy động sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp là tín đồ tôn giáo, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, chứng chỉ phù hợp đáp ứng theo yêu cầu. Tham gia lĩnh vực này chủ yếu là Phật giáo với 04 cơ sở chiếm 44,5%, Công giáo 04 cơ sở chiếm 44,5% và Tịnh độ Cư sĩ Phật hội có 01 cơ sở chiếm 11%
Trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo: Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo như thăm tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đóng góp ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, mở các bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo,… với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng/năm, qua đó góp phần cùng chính quyền thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội tại địa phương.
Tiềm lực về con người, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nhân đạo từ thiện chủ yếu do các tổ chức tôn giáo vận động từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và doanh nghiệp hỗ trợ. Về các hoạt động từ thiện xã hội thì hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có các hoạt động nhằm giúp đỡ người yếu thế trong xã hội, tuy nhiên trong đó Phật giáo vẫn là tổ chức tôn giáo có nhiều hoạt động thiện nguyện nhất chiếm khoảng 70%, Công giáo 20%, Tin lành và Cao Đài 10% tổng giá trị. Đối với các cơ sở trong lĩnh vực này thì Phật giáo có 7 cơ sở chiếm 44%, Công giáo có 9 cơ sở chiếm 56%.
Bên cạnh đó, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tham gia các đoàn thể, tổ chức xã hội, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia lao động, phát triển sản xuất nâng cao đời sống, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, giữ gìn an ninh, trật tự, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhiều chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ tiêu biểu của các tôn giáo tích cực tham gia làm thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, HĐND các cấp, qua đó đã có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển tỉnh. Ngoài ra, nhiều tín đồ của các tôn giáo có nhiều đóng góp xuất sắc trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia công tác an sinh xã hội; nhiều tín đồ tiêu biểu đã được xem xét kết nạp vào Đảng, từng bước phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu trong xây dựng địa phương, cơ sở. Đây là những nhân tố sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Các chức sắc tôn giáo đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa Đảng và nhân dân; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vận động các tín đồ tích cực hưởng ứng và tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Trong những năm qua, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên chủ động tổ chức hơn 1.400 cuộc thăm hỏi các chức sắc, chức việc; phối hợp tổ chức 246 cuộc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... cho hơn 4.600 chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, kiến thức pháp luật về công tác tôn giáo, hoạt động mặt trận với công tác tôn giáo cho chức việc, cán bộ có đạo tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Bên cạnh duy trì những giá trị tốt đẹp, sự phát triển tôn giáo tại tỉnh Khánh Hòa đã để lại những công trình kiến trúc cảnh quan, điêu khắc đặc sắc góp phần tạo ra các di tích văn hóa, các di vật là những bảo vật quốc gia, những quần thể di tích, danh lam thắng cảnh chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… đây nguồn tài nguyên lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất là dịch vụ du lịch.
Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xác định xây dựng và phát triển tỉnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quân và dân toàn tỉnh, trong đó cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia hoạt động đối ngoại, thông qua đó góp phần làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức tôn giáo trên thế giới hiểu và ủng hộ chính sách tôn giáo đúng đắn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Vận động đồng bào có đạo và chức sắc tôn giáo thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo".
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đủ sức tham mưu cấp ủy, chính quyền về lĩnh vực tôn giáo. Mặt khác, chú trọng công tác phát triển đảng viên và phân công nhiệm vụ cho đảng viên là người có đạo.
Thứ ba, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân, đồng bào các tôn giáo trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030./.
ThS Nguyễn Thị Lệ Hằng
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Tags:
Tác giả: Lệ Hằng - TCCT tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 10 đánh giá
Xếp hạng: 2.5 - 10 phiếu bầu
- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuấn thăm, chúc Tết Ban Đại diện Tin lành tỉnh Khánh Hòa (02/02/2024)
- Năm 2023, công tác dân vận tiếp tục có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực (10/01/2024)
- Tập trung xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” (03/01/2024)
- Đồn Biên phòng Bích Đầm: Chú trọng công tác vận động quần chúng (28/12/2023)
- Hơn 300 cán bộ dân vận tham gia tập huấn công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2023 (10/11/2023)
- Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận (16/10/2023)
- "Ba chân kiềng" phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc (14/10/2023)
- Chủ tịch, phó chủ tịch Hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ (10/10/2023)
- Giao ban công tác dân vận quý III/2023 (05/10/2023)
- Hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” (14/09/2023)