Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa có 15 huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc, gồm 687 tổ chức cơ sơ đảng với 47.601 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ 220-2025, cũng như các địa phương khác trong cả nước, Khánh Hòa chịu nhiều tác động với bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều thay đổi, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Dù gặp nhiều khăn, nhưng nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, Bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới, vượt trội đã tạo điều kiện cho Khánh Hòa khơi thông tiềm năng, là đòn bẩy để tỉnh bứt phá, phát triển lên tầm cao mới.
Bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo các tình huống có thể xảy ra; đặc biệt, là những thách thức, khó khăn mới phát sinh để chủ động đề ra các chủ trương, định hướng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa tập trung phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều điểm sáng nổi bật. Các ngành kinh tế của tỉnh đã từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng trở lại. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2023 bình quân ước tăng 7,62%/năm (Nghị quyết Đại hội: 7,5%), riêng năm 2022 tăng 20,7%, cao nhất cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng khá, đạt hơn 47.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 14.410 tỷ đồng (tăng 1,23 lần so với năm 2020).
Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội và tận dụng các cơ chế, chính sách để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề để tỉnh kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành Trung ương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông quan trọng quốc gia trên địa bàn tỉnh như: cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận và đang xúc tiến triển khai thủ tục đầu tư dự án đường cao tốc Nha Trang - Liên Khương... Các chương trình chỉnh trang, mở rộng đô thị, cải tạo vệ sinh môi trường, xây dựng khu dân cư, đô thị mới... được triển khai đồng bộ, làm cho bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp hơn. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh đã chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới và có chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc phòng, an ninh được củng cố, chính trị ổn định, công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả đạt được kể trên một phần xuất phát từ việc làm tốt công tác xây dựng Đảng.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đến nay, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh chú trọng và tăng cường, từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết nội bộ. Trong đó, có phần đóng góp rất quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ việc thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra tại Thông báo số 680-TB/UBKTTW, ngày 30/8/2019; bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tăng cường công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nói riêng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc khắc phục các sai phạm sau kiểm tra, thanh tra, như: rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tăng cường chỉ đạo xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm; đồng thời, chỉ đạo hoàn thành việc xác định lại giá đất đối với 04/23 dự án, đang hoàn thiện phương án xác định lại giá đất 01/23 dự án, đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn 05/23 dự án, đang thương thảo hợp đồng với đơn vị tư vấn 12/23 dự án.
Bám sát các quan điểm, mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường tham mưu cho các cấp ủy triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Phương pháp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp ngày càng được đổi mới. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá và hằng năm, thường xuyên tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh các vấn đề quan trọng và xuyên suốt đã mở rộng và đi sâu vào những lĩnh vực mới, phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội, cụ thể: công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý tài sản công, việc triển khai các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, Ban Thường Tỉnh uỷ đã chỉ đạo cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp xác định cụ thể phương hướng, nhiệm vụ để xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn diện hơn, đi sâu vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác cán bộ… Tăng cường kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Trong chương trình, kế hoạch của ủy ban kiểm tra được cụ thể hóa thành những chỉ tiêu cụ thể, chi tiết, nhất là chỉ tiêu về kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Định kỳ và đột xuất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy nghe Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch, kịp thời tháo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có định hướng chỉ đạo tiếp theo, nhất là trong kiểm tra, xử lý các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành hoặc cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện việc chủ động xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm pháp luật bị khởi tố, truy tố, tạm giam mà không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa; một số ủy ban kiểm tra cấp cơ sở đã thực hiện tốt việc thi hành kỷ luật đảng viên theo thẩm quyền mới được quy định. Nhìn chung, uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong việc tham mưu và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; triển khai đồng bộ, thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện tốt các nhiệm vụ do cấp ủy giao. Nét nổi bật là ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, số lượng tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra tăng gấp 1,5 lần so với nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhiều cuộc kiểm tra khó, phức tạp được thực hiện quyết liệt với chất lượng, hiệu quả cao. Sau kiểm tra, giám sát, đã chú trọng công tác hậu kiểm, theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành nghiêm các kết luận kiểm tra, giám sát và có biện pháp khắc phục những khuyết điểm, vi phạm, hậu quả các vi phạm đã được chỉ ra. Nhờ đó, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh được nâng lên, phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, củng cố niềm tin trong Đảng và Nhân dân.
Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 4.555 đảng viên và 3.388 lượt tổ chức đảng (tăng 52,1% số đảng viên, giảm 9,8% số tổ chức đảng so với nửa đầu nhiệm kỳ trước); trong đó, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 137 lượt đảng viên và 31 lượt tổ chức đảng (tăng 158,5% lượt đảng viên và 181,8% lượt tổ chức đảng so với nửa đầu nhiệm kỳ trước); giám sát 3.283 đảng viên và 1.272 lượt tổ chức đảng (tăng 61,3% số đảng viên và tăng 25,4% tổ chức đảng so với nửa đầu nhiệm kỳ trước); thi hành kỷ luật 362 đảng viên và 12 tổ chức đảng (tăng 94,6% số đảng viên, tăng 100% số tổ chức đảng); giải quyết tố cáo 25 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 07 lượt đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập đối với 83 đồng chí. Riêng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 11 đoàn kiểm tra, 06 đoàn giám sát đối với 94 lượt tổ chức đảng; phối hợp với Đảng ủy Công an Trung ương thành lập 01 đoàn kiểm tra đối với Đảng ủy Công an tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát, bên cạnh mục đích là phát hiện sai phạm để xử lý kỷ luật mà còn kịp thời phát hiện, chỉ ra những bất cập, chồng chéo trong cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, qua kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy rà soát, chấn chỉnh, xử lý và khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định tình hình, tạo sự đồng thuận, giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ của địa phương, đơn vị. Từ kết quả nêu trên, có thể khẳng định, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh đã nỗ lực thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ tỉnh còn một số nội dung chưa đạt hiệu quả, cụ thể: một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra chưa chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; việc triển khai một số nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát có lúc còn chậm; quy trình, thủ tục có lúc, có nơi chưa đảm bảo; chất lượng, hiệu quả công tác giám sát chuyên đề còn hạn chế, việc phát hiện dấu hiệu vi phạm qua công tác giám sát còn ít. Kiểm tra tài chính đối với cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp chưa được triển khai thực hiện. Công tác phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với một số cơ quan, đơn vị có lúc chưa kịp thời. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện một số kết luận sau kiểm tra, giám sát của một số tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra chưa chuyển biến tích cực.
Xuất phát từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới, cấp uỷ, ủy ban kiểm tra các cấp quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát được đề ra tại Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 06/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tiếp tục phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; qua đó, tổ chức thực hiện đúng, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy trình, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng đối với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Những vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh giai đoạn vừa qua đã để lại nhiều bài học đau xót trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý và giáo dục cán bộ, đảng viên, về kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Nếu cấp ủy chủ động, thường xuyên kiểm tra, giám sát sẽ phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế được vi phạm, không bị thất thoát tiền bạc, tài sản nhà nước và cán bộ. Bên cạnh đó, phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Tập trung thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm. Nâng cao hiệu quả theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp, quan tâm công tác luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cán bộ kiểm tra… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, cấp ủy, uỷ ban kiểm tra các cấp và cán bộ làm công tác kiểm tra trong toàn Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
HÀ QUỐC TRỊ - PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY,
TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH KHÁNH HÒA