Thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời phổ biến, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (CNCH). Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác PCCC, không để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh trên địa bàn tỉnh
Thời gian qua, việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng và được cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch PCCC từ đầu năm. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC, tập trung tuyên truyền về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và cơ quan, doanh nghiệp trong việc quản lý, tổ chức công tác PCCC. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền về PCCC và CNCH để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC; tham gia công tác PCCC và CNCH ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp luôn đề cao phương châm bốn tại chỗ trong công tác PCCC, kịp thời xử lý những vụ cháy, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 2023, có 47/47 đơn vị hành chính cấp xã và 31/31 cơ sở trên địa bàn tỉnh được công nhận và cấp Chứng nhận đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy. Đã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, hiệu quả về công tác PCCC và CNCH. Qua đó, đã xây dựng 549 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 302 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; đồng thời duy trì các mô hình an toàn về PCCC đã được thành lập, hoạt động trên địa bàn tỉnh, điển hình như: fanpage “Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Khánh Hòa”; mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” tại phường Vạn Thạnh - thành phố Nha Trang; mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy” tại phường Vĩnh Thọ - thành phố Nha Trang; mô hình “Khu dân cư an toàn về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự” tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh; mô hình “Tổ xe tiếp nước PCCC tự quản” tại phường Cam Lộc, thành phố Cam Ranh; mô hình “Chợ an toàn về ANTT và PCCC” tại huyện Cam Lâm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 12/12 cơ sở thuộc diện và đã thành lập đội PCCC chuyên ngành với 339 đội viên; 940/940 tổ dân phố thành lập đội dân phòng với 9.614 đội viên; 2.768 cơ sở thành lập đội PCCC cơ sở với 22.782 đội viên.
Diễn tập chữa cháy, cứu nạn tại tòa nhà cao tầng
Trong năm 2023, Công an tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực tập 02 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh (trong đó 01 phương án kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ) và 02 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp Công an tỉnh ; đồng thời xây dựng 15 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm nâng cao khả năng ứng phó, chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống cháy, nổ khi xảy ra. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã duy trì, thực hiện nghiêm quy định về công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ. Tiếp nhận 19 lượt tin báo cháy, sự cố, tai nạn, xuất 29 lượt xe 197 lượt CBCS đến hiện trường, phối hợp tìm kiếm, kịp thời cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối về PCCC trong các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng tại địa phương và đảm bảo công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị lực lượng phương tiện đảm bảo an toàn PCCC khi có yêu cầu tham gia phối hợp của các sở, ban, ngành và địa phương lân cận. Tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình địa bàn, khu vực trọng điểm, các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề, chuyên ngành, công tác PCCC rừng, mùa hanh khô; tiếp tục triển khai đợt cao điểm kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chợ, Trung tâm thương mại và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh. Kết quả: đã tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất tại 6.670 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, ban hành 106 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.615.650.000 đồng; tạm đình chỉ 02 trường hợp, đình chỉ hoạt động 72 trường hợp; phục hồi hoạt động đối với 07 cơ sở.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp PCCC và CNCH, hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về công tác PCCC và CNCH; trọng tâm là Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân PCCC. Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và gương người tốt, việc tốt. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, quy định rõ về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCCC và CNCH; tăng cường kiểm tra cấp dưới việc thực hiện chức trách của mình trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH. Tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC theo chuyên ngành, chuyên đề và định kỳ, đột xuất theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Tiến hành rà soát, lập và thực tập phương án chữa cháy và CNCH.
Thứ ba, chủ động xây dựng và tổ chức diễn tập, thực tập các phương án PCCC và CNCH có sự phối hợp của nhiều lực lượng. Xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp, tác chiến liên vùng, liên tỉnh khi xảy ra các vụ cháy lớn, cháy lan, cháy nghiêm trọng, các sự cố, tai nạn nghiêm trọng, phức tạp để chủ động vận hành linh hoạt, thống nhất cơ chế thông tin, chỉ huy, điều hành xử lý kịp thời các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm thực tế và quốc tế trong công tác PCCC và CNCH.
Thứ tư, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo hướng chính quy, chuyên nghiệp và từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH, đảm bảo công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH để kịp thời chữa cháy và CNCH, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng; trang bị bổ sung phương tiện, dụng cụ, các thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, các điều kiện phục vụ cho công tác PCCC và CNCH phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
N.X.T