Thời gian qua, công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi chung là nguồn tin về tội phạm) tại TP. Nha Trang đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phòng ngừa, răn đe tội phạm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn một số vướng mắc, cần được tăng cường phối hợp tháo gỡ.
Còn những vướng mắc
Tại hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của công an xã, phường ở Nha Trang cuối tháng 12-2023, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Nha Trang cho biết, công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định, viện kiểm sát chỉ kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với cơ quan điều tra công an cùng cấp; chưa quy định việc kiểm sát hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của công an cấp xã. Điều này có thể dẫn đến trường hợp công an cấp xã không tiếp nhận hoặc tiếp nhận nhưng kiểm tra, xác minh sơ bộ không đúng trình tự, thủ tục; bỏ sót dấu vết, tài liệu, chứng cứ quan trọng; không phối hợp điều tra ban đầu hoặc chuyển tố giác, tin báo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết không đúng thời hạn…
|
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Nha Trang và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố ký quy chế phối hợp. |
Bên cạnh đó, có tình trạng người bị tố giác, người bị hại được mời nhiều lần nhưng không đến làm việc; hoặc sự việc xảy ra vài ngày mới đi trình báo nên rất khó thu thập chứng cứ. Thiếu tá Phan Quốc Tuấn - Trưởng Công an xã Vĩnh Thái cho biết, có trường hợp đến trình báo nhưng không có điện thoại, hoặc dùng điện thoại thường, chưa thu nhận tài khoản định danh điện tử, không đủ trường thông tin…, công an xã không nhập được phản ánh, kiến nghị về an ninh trật tự lên hệ thống VNeID.
Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan này tiếp nhận 2.185 hồ sơ tin báo, tố giác về tội phạm do công an cấp xã tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển đến. Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trên địa bàn thành phố tăng bình quân hơn 40% số vụ/năm. Riêng năm 2023, Công an thành phố tiếp nhận hơn 300 đơn tố giác và phiếu chuyển nguồn tin, trong đó 70% số vụ việc có bị hại là nữ. Với loại vụ việc này, việc phát hiện dấu vết tội phạm, thu thập tài liệu chứng cứ, dữ liệu điện tử để truy xét rất khó khăn bởi phải có công văn phối hợp và cần thời gian để ngân hàng, nhà mạng viễn thông trả lời yêu cầu của công an. Các đối tượng thường chiếm đoạt tài sản ngay lập tức nên khó áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn dòng tiền bị chiếm đoạt. Bị hại và đối tượng phạm tội thường không quen nhau nên không nhận dạng được. Việc tiếp nhận, phân loại, xác minh nguồn tin ban đầu đôi khi còn chậm, thiếu chính xác; đánh giá, kiểm tra, xác minh còn nóng vội; chuyển nguồn tin để giải quyết theo thẩm quyền chưa kịp thời…
Phối hợp nâng cao hiệu quả
Theo Trung tá Trần Cao Thu - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Nha Trang, với xu hướng lừa đảo trên mạng gia tăng, lực lượng công an tăng cường phối hợp tuyên truyền sâu rộng về phương thức, thủ đoạn lừa đảo; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong các lĩnh vực dễ bị tội phạm tấn công, như: Tài chính ngân hàng, đầu tư kinh doanh, chứng khoán..; công khai số điện thoại đường dây nóng tại xã, phường; trang bị cho người dân kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, cách lưu trữ chứng cứ, dữ liệu điện tử. Khi tiếp nhận, phân loại đơn tố giác lừa đảo qua mạng, chỉ thụ lý khi đã làm rõ mọi căn cứ xác định vụ việc là nguồn tin tội phạm. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát cần có quy chế phối hợp giải quyết nguồn tin về tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra trên không gian mạng; cần làm rõ hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng để xử lý…
Ngày 20-12-2023, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Nha Trang và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ký quy chế phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của công an xã, phường thuộc thành phố. Theo đó, định kỳ hàng năm và đột xuất, hai bên sẽ phối hợp kiểm tra, hướng dẫn xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của công an cấp xã; tăng cường trao đổi các vướng mắc trong quá trình phối hợp để tháo gỡ. Cơ quan điều tra đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn cho công an cấp xã. Viện kiểm sát phân công kiểm sát viên có năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm phụ trách công tác này; kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm do công an cấp xã tiếp nhận, giải quyết và nguồn tin về tội phạm tại cơ quan điều tra theo thẩm quyền; kiểm tra, kiểm sát ngay khi cần để tránh hiện tượng che giấu vi phạm. Hai đơn vị cũng tăng cường phối hợp trao đổi, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vướng mắc phát sinh trong công tác này nhằm trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.
NGUYỄN VŨ
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202401/nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-vu-an-hinh-su-fe85af9/