Từ năm 2021 đến nay, tuy ngành Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực nhưng tỷ lệ giải quyết án hành chính vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Tại hội nghị chuyên đề thực trạng và giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh, do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.
Những khó khăn, vướng mắc
Thẩm phán Phạm Đình Thanh - Phó Chánh tòa phụ trách Tòa Hành chính TAND tỉnh cho biết, giai đoạn 2020 - 2023, chỉ có năm 2020, ngành TAND tỉnh đạt tỷ lệ giải quyết án hành chính theo chỉ tiêu TAND tối cao giao (trên 65%), 2 năm còn lại không đạt chỉ tiêu; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 22,5%. Việc thụ lý đơn còn chậm do thư ký thụ lý đơn phải tham gia tiến hành tố tụng nhiều loại án khác; tình trạng án quá hạn chưa giảm… Thực trạng này do nhiều nguyên nhân: Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có thay đổi về thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh dẫn đến hầu hết vụ án hành chính sơ thẩm đều tập trung ở TAND tỉnh, trong khi Tòa Hành chính TAND tỉnh chỉ có 2 thẩm phán, lại phải tham gia giải quyết nhiều loại án khác. Thời hạn giải quyết vụ án quá ngắn, chỉ 2-4 tháng, trường hợp phức tạp cũng gia hạn không quá 1-2 tháng. Việc thu thập chứng cứ gặp khó do một số địa phương sáp nhập, chia tách, giấy tờ lưu trữ không đầy đủ, bị thất lạc. Một số cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ chậm, không đầy đủ hoặc không cung cấp. Đối với người bị kiện là cơ quan, tổ chức, luật chỉ cho ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, nhưng lại thường xin xét xử vắng mặt; có vụ không tham gia các phiên họp, phiên đối thoại. Ngoài ra, các thẩm phán chưa thực sự nỗ lực, chủ động; việc nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp luật chưa kịp thời, đầy đủ...
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nêu, đến nay, chưa có vụ án hành chính nào có sự tham gia tố tụng trực tiếp của người bị kiện; 100% vụ án có người bị kiện ủy quyền cho cấp phó nhưng hầu hết cấp phó đề nghị xét xử vắng mặt và cử cán bộ chuyên môn tham gia. Nhiều vụ án hành chính phải tạm đình chỉ chờ kết quả trả lời hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ từ các cơ quan chuyên môn quản lý hồ sơ liên quan đến lĩnh vực người dân khởi kiện. Người khởi kiện còn đưa ra nhiều yêu cầu hoặc thay đổi yêu cầu nhằm kéo dài vụ án, gây áp lực...
Nhiều đề xuất, kiến nghị khắc phục
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo hướng giao thẩm quyền cho TAND cấp huyện giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng địa giới hành chính với tòa án; cho phép chủ tịch UBND được ủy quyền cho thành viên UBND cùng cấp hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tham gia tố tụng hành chính với tư cách là người đại diện theo ủy quyền và được toàn quyền quyết định như người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu thêm chế định luật sư công tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước trong các vụ án hành chính.
Ông Trần Ngọc Sanh - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết án hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, thực hiện nghiêm trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án và tham gia đối thoại, tranh tụng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường hòa giải từ cơ sở. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa TAND và UBND cấp huyện trong cung cấp thông tin, tài liệu về đất đai, nhà ở; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp xã. Ông Trần Ngọc Sanh cũng đề nghị UBND tỉnh lãnh đạo UBND các cấp khắc phục ngay tình trạng người bị kiện vắng mặt tại các phiên họp, phiên tòa hành chính; cung cấp tài liệu, chứng cứ đầy đủ, đúng hạn; tổ chức thi hành nghiêm các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực. TAND tỉnh tiếp tục tổ chức phiên tòa trực tuyến; rà soát, đánh giá tiến độ thụ lý, giải quyết vụ án hành chính; điều chuyển, bổ sung thẩm phán, thư ký giải quyết án hành chính.
Ngành TAND tỉnh đề xuất cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu, tham gia tố tụng của chủ tịch UBND, UBND, các cơ quan, tổ chức lưu giữ tài liệu; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho thẩm phán, thư ký và bổ sung biên chế cho tòa án… Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị TAND 2 cấp tỉnh định kỳ tổng hợp các trường hợp người bị kiện hoặc cấp phó được ủy quyền không tham gia tố tụng; các cơ quan, tổ chức không cung cấp tài liệu, chứng cứ để báo cáo, kiến nghị. Ban Pháp chế HĐND tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy định kỳ theo dõi kết quả thực hiện Luật Tố tụng hành chính để báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; kiến nghị xử lý trường hợp không nghiêm túc chấp hành.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh kiến nghị Tỉnh ủy chỉ đạo UBND các cấp tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; thực hiện và chỉ đạo thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính, trực tiếp tham gia hoặc cử người đại diện ủy quyền tham gia phiên tòa, phiên đối thoại, công khai chứng cứ. Lãnh đạo UBND tỉnh có quyết định phân công cụ thể, quy định trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, tập thể UBND tỉnh trong chấp hành Luật Tố tụng hành chính, ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính về quản lý đất đai…
Đồng chí NGUYỄN KHẮC TOÀN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh: Tỷ lệ giải quyết án hành chính chưa đạt chỉ tiêu kéo dài nhiều năm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng đối với tính nghiêm minh trong thi hành pháp luật của Nhà nước và pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt chấp hành nghiêm Luật Tố tụng hành chính; nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của cán bộ, công chức, khẳng định việc thực hiện các yêu cầu của tòa án trong giải quyết án hành chính là trách nhiệm thực thi công vụ. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp công dân định kỳ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát, xử lý, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị điều chỉnh một số quy định của Luật Tố tụng hành chính; chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát hoạt động của tòa án, thi hành án dân sự. TAND tỉnh cân đối lại nhân sự, công việc; thường xuyên đôn đốc tiến độ giải quyết án hành chính; định kỳ kiểm tra án quá hạn, án tạm đình chỉ kéo dài; khẩn trương thiết lập các điểm cầu xét xử trực tuyến kết nối đến UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính. Tổ giúp việc tham mưu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đánh giá trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của các đơn vị, cá nhân và công tác khen thưởng, kỷ luật.
NGUYỄN VŨ
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202308/tap-trung-nang-caoty-le-giai-quyet-an-hanh-chinh-a3305ea/