Nhân kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2023) và 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cán bộ, công chức và người lao động cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức chuyến hành trình về nguồn tại các di tích lịch sử thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong chuyến hành trình về nguồn, cán bộ, công chức và người lao động đã tham quan các địa danh, di tích lịch sử ghi dấu ấn truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, tạo động lực phấn đấu, tiếp bước các thế hệ cha anh, sống và làm việc cống hiến cho quê hương, đất nước.
Cán bộ, công chức và người lao động thắp hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Chụp hình lưu niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Chuyến về nguồn tại Côn Đảo đã cho cán bộ, công chức và người lao động hiểu thêm nhiều về lịch sử hào hùng của dân tộc. Các nhà tù ở Côn Đảo, nơi ghi dấu sự đấu tranh, ý chí kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ Cộng sản. Được các thuyết minh viên của Bảo tàng Côn Đảo hướng dẫn thăm các địa chỉ đỏ và trình bày lịch sử đấu tranh hào hùng của những tù nhân nơi đây, dù tất cả các thành viên của đoàn đều từng học lịch sử, từng nghe nói về sự tra tấn dã man này nhưng tận mắt chứng kiến lịch sử nơi này, mọi người càng khâm phục, xúc động trước sự chịu đựng, hy sinh của cha ông. Các thế hệ chiến sĩ yêu nước tiêu biểu như: cụ Phan Châu Trinh, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh và chị Võ Thị Sáu… và trên 20.000 liệt sĩ đã ngã xuống, nằm lại vùng đất thiêng Côn Đảo nhằm bảo vệ lý tưởng cách mạng. Mỗi người đều là những tấm gương hy sinh cao cả, ý chí bất khuất trước kẻ thù. Ngay cả trong ngục tối những người chiến sĩ ấy vẫn đấu tranh, chấp nhận gian khổ, hi sinh để bảo vệ đồng đội, đồng chí của mình. Những địa danh, tên người ghi dấu sự oanh liệt, hào hùng của đất nước đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước không chỉ thế hệ trẻ mà tất cả người dân Việt Nam.
Mọi người trong đoàn đều có chung cảm nhận những mất mát, hy sinh lớn lao, vượt sức chịu đựng của con người. Mỗi trại giam, hiện vật, mỗi ngôi mộ… là một chứng tích chiến tranh, ghi dấu lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Xúc động trước những hình ảnh tái hiện lại sự tra tấn người tù cách mạng trong từng buồng giam, các thành viên trong đoàn bày tỏ: “Được đi thực tế, chúng tôi vừa mở mang sự hiểu biết lịch sử, truyền thống cách mạng, càng biết ơn và tự hào ý chí kiên cường, bất khuất của nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước. Chúng tôi nguyện sẽ phấn đấu nhiều hơn trong công tác, góp phần nhỏ bé trong sự phát triển của cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha ông cho hòa bình, độc lập hôm nay”.
Khép lại hành trình Côn Đảo để lại những cảm xúc khó quên và những bài học về niềm tin, cống hiến của các thế hệ cha ông đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình về nguồn đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giúp cán bộ, công chức và người lao động thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh anh dũng của cha ông đã ngã xuống. Từ đó, giúp mọi người cảm nhận rõ hơn vai trò trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước, góp phần xây dựng quê hương thêm văn minh, giàu đẹp mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã chọn.
- * Một số hình ảnh tiêu biểu của hành trình về nguồn:
Các bức tượng tái hiện cảnh các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ, tra tấn dã man
Một bên là nhà giam, một bên là buồng tra tấn hết sức tinh vi.
Cán bộ, công chức và người lao động thăm Bảo tàng Côn Đảo
CTV Ngọc Minh, VPTU