Thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo an sinh, xã hội.

Diễn đàn tri thức tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất năm 2023
Với mục tiêu là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh, được đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trọng tâm là nhân lực chất lượng cao, nhân lực số phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, ngành lao động thương binh và xã hội đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, thực hiện Tiểu dự án 3, dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chủ trì cùng Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn trí thức tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”; Xây dựng Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng chính hè năm 2023 cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường trung cấp trực thuộc. Hướng dẫn các trường Cao đẳng, Trung cấp bồi dưỡng, tập huấn lý luận chính trị hè năm 2023 cho đội ngũ giảng viên, giáo viên và sinh hoạt chính trị đầu khóa của học sinh, sinh viên. Thực hiện hướng dẫn đến các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường; hướng dẫn các trường trung cấp trực thuộc ban hành mức thu học phí giáo dục nghề nghiệp năm học 2023 - 2024;… Thông qua các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại doanh nghiệp được hình thành.
Tính đến giữa nhiệm kỳ 2021 -2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư, phát triển với tổng số cơ sở hiện nay là 21 cơ sở: Gồm có 04 trường Cao đẳng (02 trường cao đẳng công lập thuộc tỉnh; 01 trường thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 01 trường ngoài công lập); 11 trường trung cấp (08 trường công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, 01 trường thuộc Bộ Quốc phòng và 02 trường ngoài công lập); 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (01 Trung tâm công lập thuộc Hội Nông dân tỉnh và 04 trung tâm tư thục) và 16 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm các trường đại học tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp). Tổng quy mô tuyển sinh trung bình hàng năm của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 37.735 người, trong đó: Trình độ cao đẳng, mỗi năm quy mô tuyển sinh đào tạo là 4.665 người với 29 nghề đào tạo; trình độ trung cấp, mỗi năm quy mô tuyển sinh đào tạo là 7.060 người với 33 nghề đào tạo; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, mỗi năm quy mô tuyển sinh đào tạo là 26.010 người. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có các hoạt động gắn kết với 311 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó đã thực hiện ký kết hợp tác lâu dài với 135 doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, tính đến tháng 8 năm 2023, toàn tỉnh thực hiện tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp các trình độ cho 21.639 người (Cao đẳng: 1.202 sinh viên; Trung cấp: 3.203 học sinh; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 17.234 học viên), đạt tỷ lệ 72,1% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Trong đó, thực hiện hỗ trợ đào tạo cho 420 người là lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ đào tạo cho 389 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và 45 lao động là người khuyết tật.
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt nội dung Kế hoạch triển khai các tiểu dự án về Giáo dục nghề nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục xây dựng Đề án tổ chức lại các trường trung cấp công lập theo kế hoạch của UBND tỉnh; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo của các cơ sở GDNN; quan tâm, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN đủ năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; liên kết và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo để phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng.
Hải Quang - BTGTU
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo số 212/BC-SLĐTBXH, ngày 21/8/2023 về công tác khoa giáo trong lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội tháng 8 năm 2023.
- Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.