Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.
Gia đình Việt Nam xuất phát từ truyền thống đạo lý mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc. Từ cái nôi hun đúc nên những giá trị cao đẹp, làm nên phẩm chất con người Việt Nam, qua từng thời kỳ lịch sử dân tộc đã có rất nhiều bậc hiền tài, danh nhân, anh hùng, nhà cách mạng lỗi lạc mà tên tuổi đi vào sử sách với những cống hiến vì dân, vì nước. Đặc biệt, trong bản hùng ca vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20 viết nên từ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được nuôi dưỡng bởi những giá trị truyền thống từ gia đình, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh quên mình vì tổ quốc; thành công của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với những đóng góp to lớn của biết bao gia đình, như “gia đình có công với cách mạng”, “Gia đình thương binh liệt sỹ”, “ Gia đình các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”…
Và như chúng ta đã biết, gia đình Việt Nam trước đây thường là gia đình nhiều thế hệ “Tam, tứ, ngũ đại đồng đường”, có sự gắn bó cao về tình cảm theo huyết thống, bảo lưu được các truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ, phát huy tốt các gia phong, gia lễ, gia đạo. Các thành viên trong gia đình có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ. Đó là những giá trị rất căn bản của văn hóa gia đình mà chúng ta cần kế thừa và phát huy.
Tuy nhiên, hiện nay gia đình Việt Nam đang đối mặt trước nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao, sống chung không kết hôn, tình trạng anh chị em ruột, thậm chí là cha con, mẹ con... chỉ vì lợi ích kinh tế mà dẫn đến xung đột, tranh chấp, kiện tụng nhau hoặc có những gia đình, cha mẹ ít quan tâm đến con cái…
Mặc dù, gia đình Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, nhưng với con người Việt Nam, gia đình vẫn là một giá trị cao quý và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc quan tâm đến gia đình là đúng vì: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Hiến pháp năm 1980 lần đầu tiên quy định tại Điều 64: Gia đình là tế bào của xã hội, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái thành công dân có ích cho xã hội, con cái có nghĩa vụ kính trọng và chăm sóc cha mẹ. Hiến pháp 1992 còn nói rõ hơn tại Điều 64: Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con trở thành công dân tốt, con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Xác định ý nghĩa vô cùng to lớn của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách làm nền tảng chính trị, luật pháp và xã hội để xây dựng và phát huy vai trò của gia đình. Ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam mạnh giàu.
Trải qua 22 năm, ngày 28-6 hằng năm là ngày tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm, cùng nhau vượt qua sóng gió để xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thiệp chúc mừng cán bộ, đảng viên, công chức nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6/2023) của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa
Thực hiện Ngày gia đình Việt Nam, trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động như giải quyết việc làm cho phụ nữ, vận động xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, lấy xây dựng gia đình văn hóa làm nền tảng để xây dựng một xã hội tiến bộ, lành mạnh, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội; triển khai nhiều hoạt động thiết thực như thành lập các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ ông bà cháu, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức hôn nhân gia đình… Qua đó những gia đình Việt tiếp tục gìn giữ, vun đắp cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam là để cho những người con đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân và cũng là dịp để con cháu tri ân, công ơn ông bà, cha mẹ qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, những giá trị văn hoá, đạo lý truyền thống của dân tộc. Một triết gia phương Tây từng nói: “Dù tồi tàn đến đâu nhưng không nơi nào trên thế giới có thể sánh được với mái ấm gia đình”. Nói theo dân gian thì: “Không đâu bằng nhà mình”. Càng khẳng định cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là hai tiếng thiêng liêng, là nơi để thương, để nhớ, là bến đỗ bình yên để mỗi chúng ta trở về.
Hồng Sâm
Theo https://tuyengiaokhanhhoa.vn/tuyen-truyen/k-niem-ngay-gia-dinh-viet-nam-28-6