Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) bắt đầu xuất hiện từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, đây là cuộc cách mạng có sự gắn kết giữa các nền công nghệ, làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học. Trong đó, nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ hiện đại như công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xây dựng và xử lý dữ liệu, người máy, xe tự lái, in ba chiều, máy tính siêu thông minh, công xưởng thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học… Những thành tựu trong các công nghệ của cách mạng 4.0 đã tạo ra những thay đổi vô cùng to lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay.
Đối với Việt nam, cách mạng 4.0 đã và đang có những ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động giáo dục và đào tạo, trong đó có thể phải kể đến những tác động mạnh mẽ nhất như: tác động đến mục tiêu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; tác động vào cách thức, phương thức, công cụ quản trị của đơn vị đào tạo, giáo dục; tác động vào mô hình tổ chức hoạt động dạy - học trong đào tạo, bồi dưỡng; làm thay đổi vai trò và phương pháp giảng dạy của người dạy học; tác động vào nội dung chương trình dạy học; tác động vào nhận thức, tư duy, phương thức học tập của người học... Những vấn đề này đã và đang bắt buộc nền giáo dục của Việt Nam phải có những thay đổi vô cùng nhanh chóng để bắt kịp xu thế của thời đại mới.
Theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhà trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị, hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Tính đến hết năm 2023, cơ cấu tổ chức nhà trường có 03 khoa và 02 phòng. Tổng số cán bộ, viên chức: 50 người; trong đó có 42 biên chế và 08 hợp đồng. Về trình độ chuyên môn: 30 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 02 đồng chí đang học nghiên cứu sinh, 02 đồng chí đang học cao học, 01 đồng chí đang học cử nhân, 08 đồng chí có trình độ đại học, 01 đồng chí có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị: 01 đồng chí có trình độ cử nhân, 25 đồng chí trình độ cao cấp, 14 đồng chí có trình độ trung cấp.
Những ảnh hưởng tích cực
Trước hết, những thành tựu của cách mạng 4.0 đã góp phần làm thay đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giảng viên và nhân viên tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, đã tạo ra những chuyển biến vô cùng tích cực trong hoạt động quản lý cũng như trong quá trình tổ chức giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ được giao; tạo ra cung cách làm việc mới, tạo ra cách thức, biện pháp, phương pháp giảng dạy ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại. Điều này thể hiện rõ qua việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, công nghệ máy tính, công nghệ phần mềm... vào quá trình tổ chức giảng dạy của giảng viên cũng như thực hiện các nghiệp vụ của các bộ phận chuyên môn. Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch giảng dạy của giảng viên, phân lịch giảng, thay đổi giờ giảng, thống kê giờ giảng, công tác quản lý lớp học, công tác thống kê, đánh giá chất lượng đào tạo... cũng thuận lợi và nhanh hơn.
Đối với giảng viên, với việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng 4.0, các giảng viên đã có thêm rất nhiều nhiều công cụ để nghiên cứu, tìm hiểu và học tập các kiến thức mới; qua đó có thêm nhiều phương pháp, biện pháp cách thức rất sáng tạo để truyền tải nội dung giảng dạy của mình. Việc tìm tài liệu, soạn giáo án, cập nhật các kiến thức cũng đã nhanh hơn, thuận lợi hơn, đỡ mất nhiều thời gian hơn so với trước đây. Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng có nhiều thuận lợi và chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Việc chuyển giao các tài liệu nghiên cứu, tài liệu bài giảng, soạn giảng giữa giảng viên cũng nhanh hơn và thuận lợi hơn. Việc lưu trữ, tìm kiếm các thông tin phục vụ cho quá trình nghiên cứu, học tập, giảng dạy của các giảng viên cũng được lâu dài hơn, an toàn và bảo mật hơn.
Đối với học viên tham gia học tập và nghiên cứu tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, những thành tựu của cách mạng 4.0 đã và đang đem lại những tác động tích cực, như giúp học viên có thể có nhiều biện pháp và cách thức để học tập và nghiên cứu hơn so với trước đây. Việc chuyển giao các tài liệu kiến thức giữa học viên với học viên cũng thuận lợi hơn; việc tham gia học tập thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến cũng dễ dàng hơn; việc theo dõi, đánh giá tiến trình học tập cũng thuận lợi hơn.
Thách thức đặt ra và giải pháp khắc phục
Với những thành tựu của cách mạng 4.0, đã tạo ra rất nhiều phương pháp và công cụ hỗ trợ giảng dạy, theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học giáo dục trên thế giới, hiện nay có khoảng hơn 200 công cụ hỗ trợ có thể áp dụng vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Song không phải giảng viên nào tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũng am hiểu tường tận và vận dụng nhuần nhuyễn được tất cả các công cụ và phương pháp giảng dạy. Hơn nữa, với sự thay đổi và phát triển rất nhanh chóng của các công nghệ hiện đại trong giáo dục và đào tạo đã làm cho một số giảng viên có thể không theo kịp và khó ứng dụng trực tiếp vào trong quá trình giảng dạy.
Những thành tựu mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn đến những đòi hỏi cấp bách trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cả về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là đòi hỏi vô cùng cần thiết, tuy nhiện hiện tại, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng giảng viên mới, khó khăn trong việc bồi dưỡng, ứng dụng những kỹ năng giảng dạy mới, hiện đại mà các nước trên thế giới đã và đang tiến hành. Đơn cử như việc triển khai giảng dạy trong các“Phòng học thông minh”.
Bên cạnh đó, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũng gặp thách thức về cạch tranh thông tin, cạnh tranh về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình giảng dạy. Bởi với sự phát triển của mạng internet, người học đã có rất nhiều các công cụ để học tập, tra cứu, nghiên cứu, tìm hiểu về các nội dung mà giảng viên nhà trường đang giảng dạy. Qua đó, vấn đề cập nhật thông tin, tránh tụt hậu về thông tin trong quá trình giảng dạy của giảng viên đối với học viên đang ngày càng trở nên cần thiết hơn. Đối với học viên đang học tập và nghiên cứu tại các Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, cách mạng 4.0 có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích, song nếu như học viên sử dụng không đúng hay sử dụng sai các công cụ hiện đại (đơn cử như việc sử sụng các nguồn tài liệu không chính thống, chưa được kiểm duyệt trên mạng internet để đưa vào các bài thi, bài thu hoạch hay viết khóa luận) thì sẽ khiến cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Công tác chuyển đổi số trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng tại Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa hiện nay vẫn còn có nhiều khó khăn nhất định. Tính đến hết năm 2023, việc trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền; việc mã hóa, số hóa dữ liệu vẫn còn chậm, chưa thống nhất; việc xây dựng thư viện điện tử chưa được triển khai; còn thiếu hệ thống các phần mềm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo. Trình độ sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học của một số cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên còn hạn chế nên việc chia sẻ, khai thác dữ liệu chưa được phong phú, thường xuyên; việc ban hành văn bản điện tử trong quản lý, điều hành chưa đồng bộ tại các bộ phận của nhà trường. Hơn nữa, hiện nay nhà trường vẫn còn thiếu các quy định, quy chế bảo đảm cho quá trình xây dựng và thực thi chuyển đổi số của nhà trường.
Vấn đề về sở hữu trí tuệ, về bảo mật thông tin trong quá trình khai thác và sử dụng các công cụ hiện đại của các giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trong thời đại cách mạng 4.0, khi áp dụng các công cụ, phương tiện hiện đại vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo ra một hệ thống nguồn tài nguyên vô cùng to lớn. Hệ thống tài nguyên này bao gồm hệ thống các bài giảng trực tuyến, hệ thống tài liệu học tập, hệ thống đề thi, hệ thống dữ liệu học viên… các nguồn tài nguyên này rất cần sự đảm bảo về mặt sở hữu trí tuệ và cần một hệ thống an ninh mạng đủ mạnh để tránh bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích. Song trên thực tế, để đảm bảo các vấn đề về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng đối với hệ thống tài nguyên đào tạo và bồi dưỡng nhà trường lại phải phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan, đơn vị liên quan khác.
Vấn đề về về điều kiện về tài chính cũng là vấn đề mà Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa hiện nay đang phải đối đầu. Với nguồn tài chính hạn hẹp... đã khiến cho việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 cũng như đối phó với các thách thức gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế. Đơn cử như việc thí điểm xây dựng “Phòng học thông minh” tại nhà trường đến nay vẫn chưa triển khai và thực hiện được. Một vấn đề đáng quan tâm hơn nữa, với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông hiện đại, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ có nguy cơ phải đối mặt với sự tấn công của “Diễn biến hòa bình” và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam thông qua môi trường internet và các nền tảng mạng xã hội. Đây là vấn đề đặc biệt cần quan tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.
Như vậy, có thể nói, những ảnh hưởng tích cực của cách mạng 4.0 đối với quá trình đào tạo và bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa là không thể phủ nhận, nhưng bên cạnh đó những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết vẫn rất nhiều. Vì vậy, để khai thác tốt hơn nữa các thành tựu và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của cách mạng 4.0, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyến đối với hoạt động đào tạo và bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần quan tâm, tích cực và quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo và quản lý của mình nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả lãnh đạo, quản lý đối với Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, trong đó cần tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức của lãnh đạo, giảng viên và nhân viên về các mặt tích cực và tiêu cực của cách mạng 4.0, qua đó làm cho từng cá nhân của đơn vị thấy được vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0, đồng thời khắc phục các tư tưởng coi nhẹ và xem thường các mặt tiêu cực của cách mạng 4.0.
Hai là, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật cho công cuộc chuyển đổi số tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Để đảm bảo tốt nhất cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, việc nhanh chóng chuyển đổi số; đầu tư, lắp đặt đồng bộ các phương tiện và thiết bị kết nối hiện đại; nhanh chóng khắc phục được các vấn đề về hạ tầng công nghệ thông tin; tích cực xây dựng các hạ tầng đủ tiêu chuẩn và hiện đại là vấn đề cần thực hiện hoàn thiện hơn nữa. Trong đó cần lưu ý nhiều hơn đến công tác chuyển đổi số, coi đó là trọng tâm của việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Để đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng phát triển trong cách mạng 4.0 hiện nay, đòi hỏi đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa phải được nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Muốn vậy, cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại hoặc bồi dưỡng nhằm bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt, đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng hành nghề một cách thường xuyên, liên tục. Đối với bản thân giảng viên cần phải tự nghiên cứu trau dồi tri thức, hình thành phông kiến thức đủ sâu và rộng, không chỉ đáp ứng lĩnh vực chuyên môn mình đảm trách mà còn có khả năng liên hệ, vận dụng cho các đối tượng học viên có kiến thức chuyên môn khác nhau.
Trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ kinh phí cho giảng viên trong việc xây bài giảng trực tuyến; tăng cường tập huấn về phương pháp, kĩ năng, sử dụng xây dựng bài giảng trực tuyến; hướng dẫn phương pháp tự học, học tập và trao đổi qua mạng cho học viên; xây dựng quy trình đánh giá và kiểm soát bài giảng trực tiếp và trực tuyến; thực hiện việc đăng ký bản quyền đối với hệ thống tài liệu học tập và giảng dạy trực tuyến; xây dựng hệ thống an ninh mạng để ngăn chặn sự xâm nhập trái phép đối với nguồn dữ liệu của nhà trường…
Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp trong qua trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa với các cơ quan, đơn vị liên quan
Để có thể đạt được hiệu quả cao hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của mình, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp của trường với các cơ quan đơn vị, liên quan như với với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; với lãnh đạo của Tỉnh ủy; Huyện ủy và các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh... Thông qua quá trình phối hợp này sẽ giúp cho các cơ quan lãnh đạo quản lý liên quan nhanh chóng nắm bắt và giải quyết một cách kịp thời các yêu cầu và kiến nghị của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa .
Năm là, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, việc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát có vị trí và vai trò quan trọng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và bồi dưỡng, đảm bảo việc dạy và học đi vào thực chất, tránh tình trạng dạy và học đối phó của giảng viên, học viên, khắc phục được các mặt tiêu cực của cách mạng 4.0, từ đó có những giải pháp cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà.
Sáu là, đối với cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Về vấn đề này, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn nữa đối với việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các thiết bị phục vụ giảng dạy, mua sắm các phần mềm phục vụ giảng dạy, quản lý phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Trong công tác quản lý học viên, cần nghiên cứu sử dụng các phần mềm quản lý các cơ sở dữ liệu, thông tin học viên; phần mềm điểm danh tự động, … triển khai xây dựng thư viện điện tử; hệ thống sách điện tử (sách giáo trình, sách tham khảo) của các học phần Trung cấp lý luận chính trị, các chương trình bồi dưỡng; xây dựng và phát triển học liệu số; kho dữ liệu số với các bài giảng E-learning, video, clip phong phú, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu của học viên ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, cần tranh thủ sức mạnh của mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram v.v. là công cụ tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của tỉnh, …tạo sự lan tỏa những nội dung giáo dục rất hiệu quả. Đồng thời, triển khai xây dựng, ban hành nội quy số, quy chế học viên số; quy chế học tập số đảm bảo đúng quy định và thực hiện nghiêm túc.
Như vậy, có thể nói, cách mạng 4.0 đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực giáo dục là một trong những ngành có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa sẽ không thể tránh khỏi xu thế bị ảnh hưởng bởi cách mạng 4.0 cả về tích cực lẫn thách thức. Vì vậy việc nghiên cứu các giải pháp để có thể tận dụng được các lợi ích cũng như khắc phục được các hạn chế mà cách mạng 4.0 mang lại là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, qua đó góp phần to lớn vào quá trình vận động phát triển đi lên của tỉnh Khánh Hòa, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại./.
ThS. Đặng Thịnh - Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Tags:
Tác giả: ThS. Đặng Thịnh - Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (09/05/2024)
- Đoàn Kiểm tra của Viện Lịch sử Đảng làm việc với tỉnh Khánh Hòa (02/05/2024)
- Khánh Hòa: Không ngừng nâng cao chất lượng công tác biên soạn Bản tin Thông tin nội bộ (02/05/2024)
- Hội nghị giao ban công tác báo chí quý I (12/04/2024)
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Giao ban công tác tuyên giáo quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2024 (11/04/2024)
- Hơn 80 học viên tham gia bồi dưỡng văn học nghệ thuật về sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (04/04/2024)
- KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): Trang sử hào hùng và chói lọi (01/04/2024)
- Sơ kết 2 năm thực hiện công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các sở, ngành (28/03/2024)
- Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 3-2024 (23/03/2024)
- Hơn 450 đại biểu tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác dư luận xã hội năm 2024 (07/03/2024)