Ngày nay, mạng xã hội dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng mạng xã hội vẫn liên tục tăng qua các năm, một số mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok, You Tube… có số lượng người dân Việt Nam tham gia rất lớn, trong đó có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Lợi dụng sự phát triển nhanh chóng công nghệ thông tin, internet, các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin sai trái, thù địch, xấu, độc trên mạng xã hội với mức độ, tần suất ngày càng nhiều, tinh vi, nhằm chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì thế, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay là cần phải tỉnh táo, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc chuyển tải thông tin trên mạng xã hội.
Theo thống kê đến tháng 9/2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số), với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới[1]. Trong đó, theo số liệu của DataReportal, tính đến tháng 2/2023, ở nước ta có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng TikTok, hiện là quốc gia xếp thứ 6/10 quốc gia có số lượng người dùng TikTok cao nhất thế giới[2]; số người dùng Facebook khoảng 70,4 triệu người, số liệu thống kê đến tháng 02/2022[3].
Với nhiều tính năng vượt trội, tiện dụng, internet, mạng xã hội ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ đa dạng các nhu cầu của người dùng nói chung và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói riêng, như tra cứu, tiếp nhận thông tin phục vụ học tập, công việc; giải trí, kết bạn, tương tác với người thân…Có thể nói, việc tham gia hay không tham gia mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, mỗi người cũng cần nhận thức đầy đủ về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội, nhất là việc định hình thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn của bản thân trong giao tiếp, tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng xã hội. Thời gian qua, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý thức trách nhiệm, tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội thì vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những thông tin xấu độc.
Trước thực trạng trên, vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 804-QĐ/TU về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hội. Với mục đích nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đề cao tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội vi phạm pháp luật về an ninh mạng; khắc phục, chấn chỉnh kịp thời tình trạng đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin giả, sai sự thật, thông tin chưa kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tư tưởng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhằm góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, trong sạch, tham gia triển khai tốt nhiệm vụ đấu tranh các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước…trên mạng xã hội, các cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bên cạnh việc quán triệt, thực hiện tốt Quy định về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hội do Tỉnh ủy ban hành, cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
(1) Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội như: Luật An ninh mạng; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm”; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý hoặc phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trang thông tin giả mạo, xấu, độc, xuyên tạc. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý vi phạm thì tùy theo mức độ mà cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên để tổ chức cung cấp kịp thời cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
(2) Phát huy vai trò, tính chủ động của Ban Chỉ đạo các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35); đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải đi đầu trong việc chia sẻ những thông tin chính thống góp phần “pha loãng” thông tin tiêu cực trên không gian mạng, tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.
(3) Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, xấu, độc trên mạng xã hội. Phải luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn, “sức đề kháng” để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo phải tiêu biểu, gương mẫu, đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng mạng xã hội phải văn hóa, văn minh; phải là nhân tố để tuyên truyền, lan tỏa các chủ trương, chính sách, pháp luật và cái đẹp, cái thiện trong xã hội.
CTV Hải Quang - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy