Chiều 28-12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023). Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa, đồng chí Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tham dự hội nghị.
|
Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn tham dự hội nghị từ điểm cầu tỉnh Khánh Hòa. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn; nghe tham luận của một số cơ quan Trung ương và địa phương… Trong giai đoạn 2009 - 2023, Đề án đã cung cấp gần 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14.408.340 bản in về cơ sở. Sách của Đề án gồm các nội dung như: Kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ quyền biên giới, hải đảo; kiến thức, kỹ năng công tác Đảng, công tác Mặt trận, đoàn thể; kỹ năng lãnh đạo, điều hành của Bí thư cấp ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các chức danh công chức cấp xã và hoạt động của HĐND cấp xã; hoạt động của trưởng thôn, tổ dân phố; xây dựng nông thôn mới; phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm giàu, những tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi; chăm sóc sức khỏe gia đình; kiến thức, kỹ năng dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng; sách trang bị cho vùng đồng bào các dân tộc với các kiến thức xây dựng nông thôn mới, kiến thức về văn hóa - xã hội... Nhìn chung, nội dung sách của Đề án bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất. Theo kết quả khảo sát tại một số tỉnh trên cả 3 miền đất nước, có trên 75% số cán bộ được hỏi đều đã tiếp cận với các thể loại sách thuộc Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện Đề án vẫn còn những khó khăn trong công tác chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện; một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của Đề án; thiếu nhiều đề tài sách về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, văn hóa, phong tục tập quán, di sản văn hóa; số lượng bộ sách của Đề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án…
Tại tỉnh Khánh Hòa, các ấn phẩm của Đề án đã bám sát nhu cầu thiết yếu của cơ sở. Nội dung phong phú, thiết thực, hình thức trình bày rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận; cập nhật nhiều thông tin về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị; các loại sách được trang bị từ Đề án có hình thức trình bày đẹp, biên soạn ngắn gọn, súc tích, nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn cơ sở. Đối tượng đọc sách và tiếp cận sách, tài liệu thuộc Đề án chủ yếu là cán bộ, đảng viên cơ sở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố.
N.T
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202312/tong-ket-15-nam-thuc-hien-viec-trang-bi-sach-cho-co-so-1cc3cb6/