Những năm qua, cùng với cả nước, hoạt động báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng lớn mạnh, luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, thúc đẩy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của tỉnh. Đồng thời báo chí, xuất bản cũng tăng cường đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; ngày càng thực hiện hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chủ động, kịp thời thực hiện Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư
Thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư “về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ” (viết tắt là Kết luận số 23-KL/TW); Hướng dẫn số 62-HD/BTGTW, ngày 16/4/2018 và Kế hoạch 183-KH/BTGTW, ngày 18/4/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 89-KH/TU, ngày 28/5/2018 để thực hiện. Trong đó, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt Kết luận số 23-KL/TW đến các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí địa phương tổ chức nghiên cứu quán triệt cho đội ngũ những người làm báo bằng hình thức phù hợp; các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận số 23-KL/TW để phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU, ngày 02/11/2022 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh; ban hành Quy chế số 06-QC/TU, ngày 19/12/2022 về sự phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh. Ùy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định; thành lập Tổ theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng và Quy chế phối hợp theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet…Có thể khẳng định rằng, hoạt động báo chí luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 cơ quan báo chí của tỉnh gồm: Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Tạp chí Nha Trang. Tổng số nhân sự trong các cơ quan báo chí của tỉnh trên 213 cán bộ, nhân viên, 76 người đã được cấp Thẻ Nhà báo. Tính đến tháng 5/2023, có 37 cơ quan báo chí Trung ương và TP. Hồ Chí Minh hoạt động trên địa bàn tỉnh (trong đó có 18 văn phòng đại diện, 19 phóng viên thường trú). Tỉnh Khánh Hòa không có nhà xuất bản. Toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở in, trong đó có 09 cơ sở in xuất bản phẩm; hơn 70 cơ sở phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm.
Báo Khánh Hòa có báo in và báo Khánh Hòa điện tử. Báo in Khánh Hòa phát hành các số thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu và Chủ nhật, với số lượng phát hành bình quân 6.100 tờ/số. Báo Khánh Hòa điện tử hiện nay đạt bình quân hơn 1,3 triệu lượt người truy cập/tháng. Tờ báo đã góp phần đắc lực trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và công tác quản lý, triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh; đáp ứng cơ bản việc phục vụ nhu cầu thông tin của đông đảo nhân dân, bạn đọc trên toàn tỉnh, trong và ngoài nước, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa có thời lượng phát sóng phát thanh (AM và FM) đạt 20 giờ 30 phút/ngày từ 05h30 đến 00h00 và tiếp sóng các kênh phát thanh FM và AM của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời lượng phát sóng truyền hình trên kênh KTV là 24 giờ/ngày và tiếp sóng các kênh truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1: 24 giờ/ngày; VTV2: 24 giờ/ngày; VTV3: 24giờ/ngày). Ngoài các chương trình tiếng Việt, mỗi ngày đài còn có 1 bản tin tiếng Anh, 1 Bản tin Thế giới phục vụ cho khách du lịch và người nước ngoài sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mỗi tháng 2 lần Đài có 1 chương trình thời sự tổng hợp tiếng Raglai phục vụ cho người Raglai, nhóm dân tộc đông thứ hai tại Khánh Hòa; Tạp chí văn nghệ Nha Trang xuất bản định kỳ hàng tháng, mỗi số gồm 100 trang. Tạp chí đã đăng tải hàng ngàn tác phẩm với các thể loại: văn, thơ, nhạc, tranh, ảnh nghệ thuật, bài nghiên cứu, phê bình văn học, văn nghệ dân gian, sân khấu. Đồng thời giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật của hội viên, cộng tác viên trong tỉnh đến với các tỉnh bạn.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí thực hiện theo chỉ đạo tại Kết luận 23-KL/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 143-KH/TU của Tỉnh ủy đã phát huy có hiệu quả vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên sóng truyền hình, báo in và báo điện tử như: Tạp chí Nha Trang đăng tải hàng trăm tác phẩm về công tác xây dựng Đảng của văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh với đầy đủ các các thể loại: văn, thơ, nhạc, tranh, ảnh nghệ thuật, bài nghiên cứu, phê bình văn học, văn nghệ dân gian, sân khấu... Báo Khánh Hòa có các chuyên trang, chuyên mục Xây dựng Đảng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng; Đưa Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống... Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa có chuyên mục Xây dựng Đảng, Cải cách hành chính tập trung tuyên truyền công tác Xây dưng Đảng, Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Đẩy mạnh cải cách hành chính; Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, đội ngũ phóng viên, nhà báo hưởng ứng tích cực Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả
(1) Duy trì thực hiện giao ban báo chí kết hợp cung cấp thông tin định kỳ hàng quý hoặc đột xuất: Kịp thời nhận định những nội dung, vấn đề báo chí quan tâm, những nội dung cần thông tin, tuyên truyền kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ban Tổ chức Hội nghị giao ban báo chí của tỉnh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh) chủ động đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin tại các Hội nghị giao ban báo chí định kỳ. Tại Hội nghị, ngoài nội dung được đơn vị cung cấp thông tin, phóng viên các cơ quan báo chí được chất vấn, trao đổi với đơn vị cung cấp thông tin để làm sáng tỏ các nội dung, tạo sự thống nhất trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận tạo sự đồng thuận trong xã hội góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Kết luận 23-KL/TW.
(2) Theo dõi, kịp thời phản hồi thông tin báo chí phản ánh: Việc ứng dụng, rà quét điểm tin báo chí viết về tỉnh Khánh Hòa hàng ngày phục vụ đắc lực cho việc nắm bắt, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh đối với các vụ việc báo chí phản ánh trên địa bàn tỉnh, qua đó phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo cung cấp, phản hồi thông tin, định hướng dư luận trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, với sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông yêu cầu báo chí cần đáp ứng kịp các yêu cầu của nhiệm vụ báo chí hiện đại, trong đó có yêu cầu để thực hiện vai trò ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư trở thành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý báo chí. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí cần nâng cao, phát huy tính chủ động trong việc định hướng, cung cấp thông tin để các cơ quan báo chí kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận; các cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa tính chiến đấu của báo chí trong chủ động, tích cực đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mạnh dạn phê phán những tập thể và cá nhân chưa tốt, có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… để cảnh báo, ngăn chặn. Góp phần định hướng, đảm bảo cho hoạt động báo chí cách mạng phát triển lành mạnh, đúng tôn chỉ mục đích, đồng hành cùng với tỉnh nhà trong sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Hải Quang - BTGTU