Nhận thức rõ ý nghĩa thiết thực của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm chỉ đạo quán triệt, triển khai việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng sách được cấp, coi đây là cơ hội để góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng của Đảng trước yêu cầu mới.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; yêu cầu quản lý và sử dụng sách đúng mục đích và đối tượng; ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về vị trí, vai trò của Đề án trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; vận động, giới thiệu cho cán bộ và Nhân dân đến nghiên cứu, đọc sách báo, tài liệu. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp; kết hợp với các đợt tuyên truyền về văn hóa đọc, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 hàng năm; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của các chi hội, tổ hội ở cơ sở với hình thức thông tin, trao đổi theo chuyên đề… Đồng thời, thông qua hệ thống truyền thông lưu động, các hội thi, hội diễn do ngành Văn hóa và Thể thao, ngành Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao tổ chức, góp phần tăng cường tuyên truyền về văn hóa đọc cũng như hoạt động của Đề án tại cơ sở.
Tổng quan, các ấn phẩm (sách và đĩa CD) của Đề án cơ bản đã bám sát nhu cầu thiết yếu của cơ sở; nội dung phong phú, thiết thực, hình thức trình bày rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận; góp phần giúp đội ngũ cán bộ cơ sở tham khảo, nghiên cứu, cập nhật kiến thức, ứng dụng trong công tác quản lý, đồng thời đây cũng là nguồn thông tin chính thống góp phần tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các tầng lớp Nhân dân địa phương. Giai đoạn 2018 - 2019, tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 02 đợt sách, gồm: 56 đầu sách, 01 đĩa CD Audio (03 đầu sách nói) và 01 đĩa CD Audio (02 đầu sách nói); phân bổ đầy đủ (35 phường, 06 thị trấn và 98 xã). Ngoài ra, hàng năm các xã, phường, thị trấn của tỉnh còn tiếp nhận các ấn phẩm về Bác Hồ; sách tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước; sách phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội… Trong đó, các đầu sách của Đề án giai đoạn 2018 - 2019 có sự đổi mới và đa dạng hóa về nội dung, giảm các nội dung lý luận, đặc biệt tập trung vào việc phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật mới, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức khối Đảng, chính quyền, đoàn thể, nội dung mới về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, các vấn đề khoa học thường thức, chăm sóc gia đình, Luật An ninh mạng...
Tủ sách pháp luật phục vụ nhân dân tại UBND xã Khánh Trung, huyên Khánh Vĩnh.
Công tác quản lý, nghiên cứu, sử dụng sách của Đề án được cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng sách và các ấn phẩm như: chỉ đạo việc phân công cán bộ quản lý sách, phân loại, sắp xếp các đầu sách một cách khoa học để thuận tiện cho việc theo dõi, lưu trữ, tra cứu và phục vụ người đọc (xây dựng tủ sách pháp luật, sách lý luận chính trị, sách khoa học kỹ thuật và dạy nghề về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...); trang bị tủ sách tại Nhà văn hóa cộng đồng, thư viện của xã… phục vụ cho đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn tham khảo, nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn; đồng thời, phục vụ Nhân dân đến khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu kiến thức để áp dụng vào sản xuất, thực tiễn đời sống. Ngoài ra, một số địa phương thực hiện việc phân bổ, luân chuyển sách về tủ sách của thôn, tổ dân phố để phục vụ đảng viên và nhân dân. Những năm gần đây, ngoài việc sử dụng sách giấy do Đề án trang bị, cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm tìm đọc các ấn phẩm điện tử tại trang Thư viện điện tử: http://thuviencoso.vn.
Qua 15 năm triển khai Đề án, một số cấp ủy, chính quyền có cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức quản lý, khai thác sử dụng sách của Đề án, như:
Thành phố Cam Ranh đã ra mắt “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” tại Thư viện thành phố với 250 thể loại sách về các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác); các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Huyện Diên Khánh, một số xã tổ chức luân chuyển sách của Đề án đến thư viện xã (Trung tâm học tập cộng đồng) để sách đến gần hơn với bạn đọc, phục vụ đông đảo nhân dân tìm đến điểm đọc sách tại các địa phương (Diên Thọ, Diên Lộc (nay là xã Bình Lộc); Trung tâm Chính trị huyện, sau khi nhận sách từ Đề án, phân công cán bộ Giáo vụ, tổ chức phân loại theo từng thể loại, lập danh mục các đầu sách và sắp xếp vào thư viện Trung tâm.
Ngành giáo dục và đào tạo phối hợp ngành văn hóa và thể thao tổ chức nhiều mô hình như: Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Khánh Hòa”; Hội thi “Thiếu nhi kể chuyện sách”; tổ chức các buổi giới thiệu sách dưới cờ cho các em học sinh, giáo viên; giới thiệu sách giữa các lớp vào giờ sinh hoạt lớp; thực hiện tiết đọc thư viện; thi trưng bày (góc đọc sách, triển lãm sách); thi kể chuyện theo sách, thi vẽ tranh theo sách…; tổ chức phát động phong trào đọc sách “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”, ra mắt tủ sách thư viện xanh… Từ đó giới thiệu đến bạn đọc nhiều cuốn sách hay, khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số xã, phường chưa thường xuyên; Số lượng cán bộ, đảng viên và nhân dân trực tiếp đến nghiên cứu, tìm kiếm và đọc tài liệu từ tủ sách địa phương ngày càng giảm; có những nơi mô hình tủ sách cộng đồng, tủ sách pháp luật… gần như không phát huy được tác dụng. Nguyên nhân, do sự phát triển và phổ rộng của thiết bị truyền tin thông minh và các nền tảng công nghệ số; Cơ sở vật chất, số đầu sách và công tác quản lý, dịch vụ tiện ích... tại các địa điểm tủ sách cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu người đọc.
Qua quá trình triển khai Đề án, một số bài học kinh nghiệm trong việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn được tỉnh rút ra và tập trung thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giao nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, sâu sát việc tiếp nhận, sử dụng và bảo quản sách, tài liệu có hiệu quả; kịp thời phát hiện những mô hình hay, cách quản lý, sử dụng có hiệu quả để phổ biến rộng rãi. Định kỳ sơ, tổng kết, đồng thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tổ chức, đơn vị làm tốt.
Thứ hai, công tác thông tin, tuyên truyền cần được tăng cường nhiều hơn,
phát huy mạnh mẽ vai trò nêu gương đọc sách của gia đình hiếu học, gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa và hoạt động của các trường học, Hội khuyến học và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương... nhằm tạo các mô hình, phong trào duy trì và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thứ ba, cần xã hội hóa lĩnh vực này, kết hợp hài hòa và phát huy hiệu quả
giữa nguồn lực nhà nước, nguồn lực đầu tư của cộng đồng để khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư mở quầy sách với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, không gian, cảnh quan thoáng mát, sạch, đẹp và các dịch vụ hỗ trợ; vừa phục vụ nhu cầu nghe - đọc tại chỗ, vừa đáp ứng nhu cầu mua sách và các ấn phẩm văn hóa khác của người dân.
CTV Hải Quang - BTGTU