Sáng 30/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức để xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện hơn các sản phẩm của Đề tài “Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh: Trong suốt tiến trình lịch sử từ khi Đảng ra đời đến nay, bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác tuyên giáo cũng luôn là một phần đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu xây dựng, bồi đắp, bảo vệ nền tảng chính trị của chế độ; tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về lý luận, chính trị, trí tuệ, văn hoá và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” |
Tuy nhiên, công tác tuyên giáo đang có chiều hướng tập trung xử lý những vấn đề cụ thể, ngắn hạn, chưa giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa thực hiện những nhiệm vụ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Triển khai mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh tình tình thế giới, khu vực và trong nước luôn có sự thay đổi nhanh chóng, khó dự báo, ngày càng phức tạp đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo. Vì thế, việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn để định hướng xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là yêu cầu cấp thiết, tất yếu, khách quan.
Đồng chí Lại Xuân Môn cho biết: Để hoàn thành bộ sản phẩm đề tài “Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Chủ nhiệm đề tài đã đặt hàng 50 chuyên đề khoa học; tổ chức khảo sát thực tiễn ở 9 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Hậu Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…); tổ chức điều tra xã hội học ở 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 9 cơ quan Trung ương; tổ chức 5 cuộc tọa đàm trong đó có 2 cuộc tọa đàm tổ chức tại Ban Tuyên giáo Trung ương, 3 cuộc tọa đàm tổ chức tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Tĩnh. Đã nghiệm thu đề tài cấp cơ sở và nhận được nhiều ý kiến góp ý quan trọng, tâm huyết của các nhà khoa học. Đến nay các sản phẩm của Đề tài đã cơ bản đầy đủ gồm có: Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt, Báo cáo tư vấn, Dự thảo Nghị quyết.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, ban hành chiến lược công tác tuyên giáo trong giai đoạn mới; ý kiến về nội dung lý luận mới về công tác tuyên giáo; Đánh giá thực trạng hoạt động công tác tuyên giáo; Cho ý kiến về dự báo những nhân tố tác động, cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với công tác tuyên giáo; Về quan điểm, mục tiêu, định hướng và những giải pháp của công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng cần thiết phải xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo nhằm nâng cao tính dự báo, đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng tầm nhìn trung hạn, dài hạn, kết nối được các mặt, các lĩnh vực để phát huy tốt hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo. Công tác tuyên giáo phải xây dựng một hệ thống quan điểm làm cơ sở cho việc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống quan điểm công tác tuyên giáo phải thể hiện những nội dung, nguyên tắc mang tính ổn định, phải kiên định, bảo vệ và phát triển; phải thể hiện tính linh hoạt, khả năng ứng phó và xử lý hiệu quả trước những thay đổi, biến cố xảy ra. Định hướng chiến lược công tác tuyên giáo phải thể hiện các nội dung định hướng chung và định hướng cụ thể trong từng lĩnh vực của hoạt động tuyên giáo...
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những giải pháp thực hiện chiến lược công tác tuyên giáo cần tập trung vào một số nội dung lớn như: Giải pháp tạo sự thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và trong Nhân dân về những nhận thức mới đối với công tác tuyên giáo; Giải pháp xây dựng cơ chế, năng cao năng lực phản ứng, điều chỉnh, khả năng thích ứng và tương thích của công tác tuyên giáo trong tình hình mới; Giải pháp xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình của hoạt động tuyên giáo và công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các ban đảng, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội cùng cấp; Giải pháp đối với từng lĩnh vực của công tác tuyên giáo; đổi mới phương thức công tác tuyên giáo; xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, sơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới./.
Theo https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-chien-luoc-cong-tac-tuyen-giao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc-645402.html