Sáng 19/5/2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực xây dựng Đảng...
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu đề dẫn và chỉ đạo tại hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương đạo đức cách mạng, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật rằng: Vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nêu một số vấn đề có tính định hướng, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, nhà khoa học, thảo luận một số vấn đề cụ thể, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, những yêu cầu cấp bách của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; tiếp tục làm rõ các nhân tố tác động mới, các yêu cầu mới tác động đến đạo đức của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, tập trung góp ý, đề xuất bổ sung, góp phần hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho sát hợp với thực tiễn mới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp triển khai thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiệu quả, khả thi và có tác động lan toả tích cực rộng lớn trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đồng chí Lê Hữu Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu tham luận tại hội thảo.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, đồng chí Lê Hữu Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh: Những năm qua, bám sát đường lối của Đảng, tỉnh Khánh Hòa luôn xác định việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến nay, tỉnh đã ban hành 2 quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ khi thực hiện Quy định số 13-QĐ/TU, ngày 22-2-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy các địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa thành các chuẩn mực với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện”, tập trung tạo chuyển biến trên 3 mặt: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử và chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Tại hội thảo, tỉnh Khánh Hòa xin nêu một số ý kiến để làm rõ nội hàm các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong 6 mối quan hệ. Thứ nhất, chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ với Tổ quốc, với nhân dân là: Trung với nước, hiếu với dân. Thứ hai, chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ với Đảng, với hệ thống chính trị là: Kỷ cương, gương mẫu. Thứ ba, chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ với công việc là: Trách nhiệm, sáng tạo. Thứ tư, chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ với bản thân và gia đình là: Trung thực, mẫu mực. Thứ năm, chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ với mọi người, bạn bè quốc tế là: Đoàn kết, có tinh thần quốc tế trong sáng. Thứ sáu, chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ với các thế lực thù địch là: Chủ động, linh hoạt, kiên quyết.
Cùng với đó, năm 2022, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa vui mừng đón nhận Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng tỉnh Khánh Hòa văn minh, thân thiện, mến khách, đáng sống, hiền hòa, hạnh phúc. Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là các nghị quyết chiến lược, mở ra cơ chế, chính sách mới để khai thông các nguồn lực, tạo nền tảng và thời cơ đột phá đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh không chỉ là trách nhiệm chung, mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Do vậy, cần sớm có sự thống nhất về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên và triển khai trong thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, trong đó cần lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức người cách mạng là nền tảng tư tưởng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận để xây dựng. Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất các định hướng, giải pháp xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
CTV Thanh Hải, BTG Tỉnh ủy