Từ lâu, báo chí đã trở thành cầu nối giữa Trường Sa với đất liền. Trong nhiều năm qua, những người làm báo ở Khánh Hòa nối tiếp nhau đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó không ít người đã được cánh lính đảo xem như người nhà.
Trong làng báo Khánh Hòa, người giữ kỷ lục đi tác nghiệp ở Trường Sa nhiều nhất chính là nhà báo Đình Thông - quay phim của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh với 8 lần ra đảo mà phần lớn là vào mùa giông bão cuối năm. Kỷ niệm về Trường Sa quá nhiều, nhưng xúc động nhất là lần anh chứng kiến cuộc hội ngộ của 2 cha con người lính hải quân trên đảo Nam Yết trong chuyến đi đầu năm 2010. “Trong số những người lính trẻ vừa nhập ngũ có con trai của một trung tá đang công tác trên đảo. Biết trước điều này, nhưng khi ghi lại giây phút trùng phùng của cha con người lính, mắt tôi cứ nhòe đi. Truyền thống là đây, yêu nước là đây chứ đâu phải ở nơi nào xa lạ”, nhà báo Đình Thông nhớ lại. Xông xáo, hết mình với công việc là những ấn tượng khi nói về anh. Có những chuyến đi anh bị say sóng, phải nằm bẹp trên giường nhưng cứ vào đến đảo lại lao vào tác nghiệp bởi thời gian trên đảo có hạn. Hơn nữa, anh hiểu rằng những vất vả của mình chẳng là gì so với sự hy sinh của những người lính đảo. Chuyện thiếu thốn rau xanh, nước ngọt của lính đảo thời kỳ đầu, chuyện máu đổ ở Gạc Ma năm 1988… nào có xa lạ. Trường Sa đã dạy cho anh những bài học sinh động nhất về chuyện hy sinh, về lòng yêu nước.
|
Ở Đài PT-TH tỉnh, quay phim Nguyễn Nam, phóng viên Trần Ngọc Phong, Nguyên Chương… cũng đã nhiều lần đến với Trường Sa. Tình cảm của những người lính đảo đã tiếp thêm nhiệt huyết để họ đến với đảo. Cho đến bây giờ, quay phim Nguyễn Nam vẫn không quên chuyến đi năm 2006, anh em bộ đội trên đảo Song Tử Tây quý các nhà báo nên đã tặng cả bao rau xanh và hạt đỗ xanh. Không nỡ từ chối tấm lòng của những người lính đảo, anh cùng các đồng nghiệp nhận món quà đó rồi đem tặng lại cho cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm. Có lần, anh theo đoàn thân nhân thăm người thân là lính đảo, tàu đến sát đảo nhưng sóng lớn không vào đảo được. “Nhìn người thân của những người lính đảo mắt rưng rưng khi nhận tin tàu không thể vào đảo, tôi muốn nói lời động viên mà không biết phải nói gì”, anh Nam nói.
Nhà báo Lê Bá Dương và Trần Minh Ngọc cũng là những người rất nặng lòng với Trường Sa. Ra đảo trong những năm còn gian khó, Lê Bá Dương bao giờ cũng lân la với cánh lính, nhờ đó anh đã “chộp” được những khoảnh khắc bình dị nhất về cuộc sống trên đảo, làm nên những bức ảnh đầy ý nghĩa. Chuyến đi cuối năm 2003, khi chuẩn bị rời đảo Sinh Tồn Đông, người lính chiến trường Quảng Trị năm xưa đã rơi nước mắt khi được một người lính trẻ nhờ gửi hộ lá thư mà người nhận chính là người gửi vì đã lâu không nhận được thư nhà. Sau kỷ niệm đó, nhà báo Lê Bá Dương đã chụp rất nhiều ảnh để khi về đất liền, anh rửa ảnh và gửi về gia đình những người lính, kèm theo dòng thăm hỏi để động viên. Nhà báo Trần Minh Ngọc cũng đầy ân tình với Trường Sa. Mỗi lần có đoàn công tác của tỉnh đi Trường Sa, anh lại chủ động xin đi để được gần hơn với đảo. Sau chuyến đi năm 2012, anh đã tổ chức triển lãm ảnh về Trường Sa để kết nối đảo xa với đất liền. “Thông qua hình ảnh, tôi muốn người dân, đặc biệt là các em học sinh hiểu hơn về Trường Sa. Qua các triển lãm bồi đắp thêm tình yêu biển đảo cho thế hệ trẻ…”, anh Ngọc nói.
|
Nhắc đến Trường Sa, không thể không nói đến cố nhà báo Nguyễn Đình Quân (đã mất tháng 9-2017 vì tai nạn giao thông). Với 6 lần đi đảo, gần như anh đã đặt chân lên tất cả các điểm đảo ở Trường Sa.
Yêu Trường Sa như máu thịt, sinh thời anh đã bỏ không ít công sức để tìm kiếm, phổ biến hình ảnh, tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Anh đã gặp các cựu binh hỏi chuyện về giải phóng Trường Sa năm 1975; đến Thư viện tỉnh lục tìm và chụp lại toàn bộ những trang báo Nhân Dân viết về các sự kiện ngày 14-3-1988 đưa lên blog, facebook của mình. Anh còn vận động giúp đỡ gia đình những người lính ở Trường Sa gặp hoàn cảnh khó khăn... Ngày anh mất, nhiều người lính đảo buồn như mất đi một người thân. Không ít người đã tưởng nhớ anh với dòng chữ: “Anh đã về với sóng nước Trường Sa”!
Không chỉ có cánh mày râu, các nữ nhà báo ở Khánh Hòa cũng không ngại sóng gió để đến với Trường Sa. Trong đó, nhà báo Tôn Nữ Thanh Bình, Ngọc Vân có đến 3 lần đi đảo. Sau những chuyến đi, danh bạ điện thoại của họ lại đầy hơn những cái tên có đuôi là TS (Trường Sa). Để rồi, những ngày lễ, Tết, những khi “biển động” họ lại gọi hỏi thăm, động viên những người lính đảo. Đổi lại, nhiều người lính trẻ mỗi khi có nỗi niềm, tin vui lại nhắn tin, gọi điện để chia sẻ.
“Không xa đâu Trường Sa ơi”, đó không chỉ là câu hát mà còn là hành trình luôn được tiếp nối của các thế hệ nhà báo ở Khánh Hòa. Khi tôi viết bài báo này, các phóng viên: Văn Giang (Báo Khánh Hòa), Diệu An (Đài PT-TH Khánh Hòa)… vẫn đang lênh đênh trên biển. Chuyến hành trình thăm huyện đảo Trường Sa dự kiến 15 ngày đã kéo dài hơn 3 tuần vì gặp áp thấp nhiệt đới. “Nghề báo đã cho tôi được đặt chân đến Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là một niềm hạnh phúc không dễ gì có được…”, phóng viên Văn Giang chia sẻ.
Theo Báo Khánh Hòa